NSND Thanh Tòng - Vị “Thống soái” của Cải lương Tuồng cổ

Đối với những người yêu thích bộ môn nghệ thuật Cải lương, nhất là Cải lương Tuồng cổ và Hồ Quảng, chắc không ai là không biết đến cái tên NSND Thanh Tòng - Vị “thống soái” của cải lương tuồng cổ.

NSND Thanh Tòng - Vị “Thống soái” của Cải lương Tuồng cổ

Truyền nhân đời thứ 4 của một đại gia tộc Cải lương

Ông là thế hệ truyền nhân đời thứ 4 của một gia tộc Cải lương lừng lẫy. Bà cố nội của ông là chủ gánh hát bội Vĩnh Xuân, Vĩnh Xuân bang danh tiếng một thời trụ tại đình Cầu Quan (Q1), ông nội ông là bầu Thắng, cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ -  người từng được công chúng bầu chọn là kép hát bội xuất sắc nhất Sài Gòn. Đến thế hệ của ông cũng đều là những bậc nghệ sĩ lớn, Xuân Yến, Thanh Loan, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc, đạo diễn Phượng Hoàng,... đều là anh chị em trong gia đình ông. Thế hệ thứ 5 sau ông có Tú Sương, Quế Trân, Lê Thanh Thảo… đến nay vẫn giữ được lửa với nghề.

Từ năm 11 tuổi ông đã thành công với nhiều vai diễn và được phong tặng danh hiệu “thần đồng sân khấu”. Ông có thể “cân” cả kép văn, kép võ, kép mùi kép độc lẫn kép lão… hát bội cũng hay mà ca cải lương cũng giỏi. Có thể nói bất kỳ nghề nào mà có liên quan đến sân khấu ông đều am tường và làm rất rất tốt. Sinh ra trong một cái nôi nghệ thuật, đến năm 14 tuổi ông học đàn cổ và bắt đầu tìm hiểu các điển tích. Không lâu sau, ông vừa là vị “Thống soái” trong các vở cải lương tuồng cổ vừa là soạn giả kiêm đạo diễn lớn trong lĩnh vực này. Vở Bao công vô lò gạch tra án Quách Hòe trên sân khấu Khánh Hồng - Minh Tơ là vở diễn đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trên con đường làm đạo diễn của ông.

Ông cũng là một người thầy nghiêm khắc với các bạn diễn và hậu bối. NS Công Minh, người em thứ 9 của ông cho biết: anh Năm Thanh Tòng giỏi nghề, thương anh em nhưng rất nóng tính, “Bữa đầu tập, vuốt cái tay mà tôi vuốt không xong bị anh năm Thanh Tòng la: "Con nhà nòi mà không hát được thì về móc bọc đi!". Tuy nhiên, nhờ đó mà nghệ sĩ và các nghệ sĩ Vũ Linh, Vũ Luân, Thoại Mỹ, Tú Sương, Quế Trân,…đều có những vai diễn Cải lương Hồ quảng thành công, ghi dấu ấn lớn trong lòng khán giả.

Có thể kể đến các tác phẩm là những đứa con tinh thần của ông như Dưới cờ Tây Sơn, Thanh gươm và nữ tướng, Gió lộng bến Bình Than…  Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình cho nghệ thuật, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2007. Nghệ sĩ qua đời vào sáng ngày 22 tháng 9 năm 2016, để lại sự tiếc thương vô hạn cho gia đình và khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương, nhất là cải lương tuồng cổ và Hồ quảng.

Những vai diễn để đời của “Thống soái”

Vai diễn của ông cho nghệ thuật cải lương thì khó mà đếm hết. Dưới đây chỉ là một vài vai diễn nổi bật, được nhiều khán giả nhớ đến.

Đầu tiên có thể kể đến vai Lý Đạo Thành trong vở Câu thơ yên ngựa. Một vị thái sư thẳng thắn “dẹp tình riêng để lo việc chung”, hết lòng vì gian sơn gấm vóc của nước nhà. Những điệu bộ, cử chỉ, nhất là ánh mắt cương quyết của ông đều rất đặc biệt và khó quên được. Có người bảo “ Vì có bác Thanh Tòng diễn vai này nên tui mới đi xem”. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt khi ông vô Lý cây bông một cách xuất thần “Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng, lo việc chung. Lý đâu ta đành tự ý tha Thương Dương. Toàn dân đảo điên khôn lường, bao thảm họa tóc tang, ngoại bang lấn sang biên thùy, ta phải đành dẹp đứa gian. Cầu nương nương, đừng lay chuyển lòng thần đã quyết”. Ánh mắt, nét mặt quyết đoán ấy từ lâu đã chinh phục được những khán giả dù là khó tính nhất.

Tiếp theo phải kể đến vai Bao công trong vở Bao công vô lò gạch tra án Quách Hòe do chính ông dàn dựng. Ở màn tái hiện này, ông chính là một ngôi sao, vẫn là những bước đi, cái chỉ tay, đảo mắt và những màn vũ đạo hấp dẫn giúp vai diễn này trở nên nặng ký khi được giao lại cho các hậu bối do ông đã từng thể hiện rất thành công.

Một điểm nhấn khác ở các năm gần đây được thể xuất hiện khá nhiều là vai Ông thầy tướng số, cha vợ của Gánh Cải trạng nguyên Hoàng Phi Học trong vở Cải lương Hồ quảng cùng tên. Và NSƯT Quế Trân con gái ông cũng thường vào vai cô Mỹ Chi, con gái của ông thầy tướng số. Vai diễn này khá hài hước, ban đầu có vẻ hơi ham quyền cao chức trọng, do nghề bói toán của mình mà biết được chàng gánh cải sẽ đỗ trạng nguyên, ông mới gả con gái cho chàng. Tuy nhiên, ở màn đối đáp với nhà họ Dương ông thể hiện rõ sự coi trọng tình nghĩa, thủy chung, thương người có tài chưa gặp thời vận chứ không hề ham bã giàu sang phú quý. 

Ngoài ra, ở các vở tâm lý xã hội nổi tiếng, ông cũng là cái tên lớn để “bán vé” trong những đêm diễn. Vai cậu Tân - em trai Nàng Tô Ánh Nguyệt, dù là một vai phụ, nhưng lại trái ngược với sự bi thương mà các nhân vật chính mang lại, vai diễn này mang đến những tiếng cười châm biếm, chàng trai nhỏ với màn đối đáp liến thoắng với cha mình - một ông cụ “thủ cựu bài tân”. Chính cậu Tân sau này sẽ là người kết nối cho Nàng Tô Ánh Nguyệt có cơ hội nhận lại con mình.
 
Một nhân vật khác xin được nhắc tới là ông Võ Minh Thành trong tuồng cải lương kinh điển Đời cô Lựu. Chịu nhiều đau khổ đến cuối đời. Nhân vật ẩn chứa sự khẳng khái của một người đàn ông hết lòng thương vợ thương con. Còn rất nhiều nhân vật mà khi nhắc đến, người ta có thể nghĩ ngay đến ông, nhớ ngay đến nét diễn, cử chỉ, điệu bộ của ông. Vị “thống soái của cải lương tuồng cổ” chính là ông, mỹ danh được đặt không sai chút nào, xứng đáng với những gì ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật này. 

Cũng gần đến ngày kỷ niệm ngày mất của ông, hy vọng bài viết này có thể giới thiệu đến những bạn yêu thích cải lương về những vai diễn hay và mang đậm dấu ấn của NSND Thanh Tòng!

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow