Thảo Nguyên - Cô đào tài năng của nghệ thuật Cải lương Hồ quảng

Cô Thảo Nguyên với nét diễn mộc mạc, với giọng ca thánh thót như chuông ngân.

Thảo Nguyên - Cô đào tài năng của nghệ thuật Cải lương Hồ quảng

Cố Nghệ sĩ Thảo Nguyên sinh năm 1967, cô bén duyên với sân khấu cải lương từ khi còn rất trẻ. Nét diễn mộc mạc, với giọng ca thánh thót như chuông ngân của cô đã được rất nhiều khán giả ái mộ. Vào thập niên 80 - 90, thời điểm nghệ thuật cải lương đang bước vào thời kỳ hoàng kim, dù chưa có nhiều vai làm đào chánh, nhưng cô vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả qua nhiều vở cải lương Hồ quảng như vai Vinh Lan trong Mạnh Lệ Quân, vai Thu Hương trong Tứ Hỷ Lâm Môn, vai Khấu Thừa Ngự trong Bích Vân cung kỳ án và vai Tào Phi của vở Xử án Bàng Quý Phi. Cô Thảo Nguyên tuy không có được điểm tuyệt đối về sắc vóc nhưng bù lại giọng ca của cô rất trong trẻo và lối diễn xuất chững chạc, rất dễ gây hảo cảm và để lại dấu ấn cho người xem.

Ở bài viết này mình xin được điểm qua qua một số vai diễn ấn tượng của cô Thảo Nguyên mà mình đã xem và để lại nhiều cảm xúc đến tận bây giờ.

Vinh Lan “lí lắc” trong Mạnh Lệ Quân

Đây là một vai diễn rất ấn tượng đối với mình, dù đó không phải vai chính trong vở cải lương hồ quảng này. Vinh Lan là nàng hầu gái trung thành của tiểu thư Mạnh Lệ Quân (NSND Lệ Thủy), cũng chính nàng là “quân sư” hiến kế cho tiểu thư tìm đường giải oan, thoát khỏi mối hôn sự với Lưu Khuê Bích. Với nét diễn hồn nhiên, lí lắc, lại có phần thấu đáo, NS Thảo Nguyên đã khắc họa thành công cô nàng hầu gái còn nhỏ tuổi nhưng lại có phần tinh ranh, mưu mẹo nhưng cũng hơi non nớt khi cùng tiểu thư giả trai lên kinh ứng thí hay lúc bị Tô Ánh Tuyết xuýt nữa thì nhận ra thân phận. Và mình không thể nào quên được những lời ca “trêu ghẹo” rất dễ thương của Vinh Lan - Thảo Nguyên lúc rình lén Mạnh Lệ QuânTô Ánh Tuyết “động phòng”:
Vinh Lan: “Người say đất trời đang quay, 
Mạnh Lệ Quân: Gái chưa chồng cưới gái chưa chồng, 
Tô Ánh Tuyết: Tơ hồng lộn mối không đồng, 
Vinh Lan: Ông chồng ngồi một đống, bỏ cô vợ chèo queo, 
Mạnh Lệ Quân: Nhìn tui chi em cưng, 
Vinh Lan: Dê cái cũng mọc sừng. Hai người trơ gan ngồi tới khuya, ngồi kình, còn ta thì rình.”

Thu Hương của Tứ Hỷ Lâm Môn

Trong vở này, NS Thảo Nguyên đóng cặp với NSUT Bạch Long (vai Thế Bảo), là tỳ nữ của Văn Phi Nga. Vở này có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ tham gia: Vũ Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thanh Thủy, Bạch Long,... Dù vậy vẫn không làm giảm đi nét ấn tượng vai của Thu Hương, ở đây có phần ngốc nghếch, đáng yêu. Nhất là lúc vô duyên vô cớ phải uống rượu thay chủ rồi say và bị vạch trần thân phận là nữ nhi. Cô nàng Thu Hương này cùng với Thế Bảo chính là cặp đôi tạo tiếng cười, khiến cao trào của tuồng cải lương này được đẩy lên cao, rồi “bể ra” sự thật về việc nữ cải nam trang và cuối cùng các nhân vật đều được hưởng hạnh phúc.

Khấu Thừa Ngự trong Bích Vân cung kỳ án

Đây là một vai bi trong vở cải lương này, cô cung nữ bị bắt làm chuyện “thương thiên hại lý” là sát hại ấu quân nếu không toàn gia sẽ bị liên lụy. Nhưng với một trái tim nhân hậu, cô thà cắn máu tay mình cho ấu quân thay dòng sữa chứ không thể nào ra tay một cách tàn nhẫn. Và nhớ nhất là lúc Khấu Thừa Ngự thú thật sự tình với Nội giám Trần Lâm qua điệu Đoản Khúc Lam Giang: “Lời thật thà xin thưa, không dối gian con thì không dối gian. Nào đâu phải con lăng loàn, đây tử hoàng con bà Thần phi. Vì bà Hoàng rấp tâm, sai mang ấu quân cho bà tường tri. Kế mưu gian bày đoạn tuyệt tình thâm, bảo con đêm này, Diên trì ném ngay dìm sâu. Lòng thành cầu hoàng thiên minh chứng không nói sai. Đây lưỡi dao vàng, truyền lời cho con, khai kế mưu giết ngay, một trăm nén vàng thôi. Cho phản hồi về quê sống nhàn, như cãi lời toàn gia mất đầu...” Khấu Thừa Ngự cũng là một vai diễn hay mà nhiều người nhắc tới vai này sẽ đều nghĩ ngay đến cô đào Thảo Nguyên với giọng ca thánh thót.

Tào Phi (Tào Chánh hậu) trong vở Xử án Bàng Quý Phi (1990)

Bàng Quý Phi phạm tội tày đình phải bị xét xử ở Trường Xuân cung, mà thánh thượng lạnh nhạt ngày nào hôm nay lại trở nên thân mật, dịu dàng với Tào Phi, cầu xin nàng rỗi tội cho Bàng Phi, cái liếc mắt, cái ngoắc tay của vua Tống Nhân Tông với Tào Phi cũng đủ làm câu chuyện của vở cải lương trở nên hấp dẫn hơn. Lời trách móc vô cùng ấn tượng, vừa giận vừa thương của Tào Phi: “Từ thơ phủ đưa vào thánh giá, chẳng bấy lâu bặt cá nhàn kinh, đến nay hữu sự trào đình, nên bệ hệ mới kêu, mới gọi”. Dù vậy nàng Tào Phi này vẫn thương và nghe lời chồng nàng, và thương cho Bàng Phi cùng chung phận má hồng mà đứng ra xin tội, mặc dù kết quả cũng không khá hơn. Có thể thấy được đây là một vai diễn dù nhỏ nhưng rất hay, xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ, một tấm lòng khoan dung độ lượng, một người vợ biết chia sẻ và yêu thương quân vương cũng là chồng mình hết mực. 

Điệu Trung Thu của Tào Phi và vua Tống Nhân Tông (NSUT Vũ Linh) là đoạn mình thích nhất qua giọng ca của cô Thảo Nguyên:
Vua Tống Nhân Tông: Ái khanh, Xin khanh chớ có giận hờn, vì lo bận việc quốc gia. Thế nên bỏ qua cái chuyện trăm năm, ái ân cùng với ái khanh. 
Tào Phi: Thôi thiếp đây vô phần, nghĩ phận mình xấu số vô duyên. Thân có chồng cũng tỷ như không.
Vua Tống Nhân Tông: Than ơi, trẫm đây van xin, nghĩ đến tình tha thứ cho quả nhân.
Tào Phi: Thiếp đây dám đâu vô tâm, phật lòng thánh ý long tâm.
Vua Tống Nhân Tông: Xin hãy giúp trẫm một phen, vào đó rỗi tội cho Bàng Phi, thì ơn kia trẫm đây còn ghi, nào đâu vong ân Tào Phi.
Tào Phi: Xin khâm tuân thánh hoàng, để thiếp vào rỗi tội cho Bàng Phi.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow