Trường phái vọng cổ độc đáo - Thanh Tuấn

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Tuấn - một nghệ sĩ cải lương tài danh với giọng ca trời phú, và là người mở đầu một lối ca mang thương hiệu rất riêng biệt.

Trường phái vọng cổ độc đáo - Thanh Tuấn

Chàng trai đất Quảng mê câu ca vọng cổ

NSND Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1948, chào đời tại quê hương Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vùng đất miền Trung nổi tiếng với điệu bài chòi, tuồng… nhưng lại nuôi dưỡng trong lòng cậu bé Liêm một tình yêu tha thiết với những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng của Cải lương. Thuở thiếu thời, người bà con nhà đối diện có cái máy hát đĩa cứ bật hoài mấy tuồng có nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được. Nghe riết, cậu bé đâm ra bị mê hoặc, bị những hạt mần đam mê nghệ thuật len lỏi vào tâm hồn từ lúc nào chẳng biết.

Khác với nhiều nghệ sĩ sinh ra và lớn lên giữa lòng thủ phủ Cải lương (miền Nam), con đường đến với sân khấu của Thanh Tuấn mang một dấu ấn rất riêng biệt. Vì ba tập kết ra bắt mà mẹ nghệ sĩ phải vào Sài Gòn làm thuê, buộc cậu bé 10 tuổi phải sống một mình vất vả tại quê nhà. Rồi như có một sức mạnh thôi thúc cậu bé Liêm ngày ấy cũng đánh liều khăn gói vào Sài Gòn tìm mẹ. Những ngày đầu ở Sài Gòn hoa lệ, phải đối mặt với bao khó khăn, bỡ ngỡ, Má đi giúp việc nhà, Thanh Liêm xin vô làm ở tiệm thuốc bắc, tiền kiếm được cậu mua tập giấy in những bài cải lương. Lúc nào rảnh là lại bật radio nghe, đài phát bài nào là mở sách dò bài bản mà hát theo. Ngọn lửa đam mê Cải lương cháy bỏng quá mà sáng làm ở tiệm thuốc bắc, chiều Thanh Liêm xin đi học ca ở lò thầy Út Trọn. Giọng nói mang âm sắc miền Trung ban đầu có thể là một chút trở ngại, nhưng chỉ mới 3 tháng bằng sự cần cù, khổ luyện và một chút năng khiếu vốn có, cậu bé đã dần làm chủ được kỹ thuật, học rành hết 3 Nam 6 Bắc và biến giọng ca “miền Trung” của mình thành giọng Sài Gòn ngọt xớt. Có lẽ chính sự pha trộn chất giọng này đã tạo nên một nét riêng không thể trộn lẫn trong giọng ca Thanh Tuấn sau này.

Sau đó, chàng trai đất Quảng qua học với thầy Bảy Trạch về cách vừa ca vừa diễn, làm chủ sân khấu. Rồi thầy cho đi thực tập ca ở các quán hát, tiếp đó thầy cũng  giới thiệu cho theo đoàn Bạch Liên Hoa, một bước Thanh Liêm nhảy lên hàng kép chánh với vai Minh trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường. 

Khai phá trường phái ca vọng cổ mới – Dấu ấn “Thanh Tuấn”

Điều làm nên tên tuổi lẫy lừng và vị thế đặc biệt của NSND Thanh Tuấn trong làng Cải lương chính là giọng ca độc đáo, đến mức người ta gọi đó là “trường phái Thanh Tuấn”. Đây không phải là sự mô phỏng bất kỳ nghệ sĩ đi trước nào, mà là kết quả của một quá trình tìm tòi, tiếp thu, sáng tạo thành cái của riêng mình. Ông chú trọng từng chữ, từng cung bậc trong bài, chuốt đi chuốt lại tới chừng nào nghe ưng mới thôi. Giọng ca của Thanh Tuấn sở hữu một màu sắc rất riêng: trầm ấm, dày, có độ vang và độ “rền” đặc trưng, những dấu sắc, huyền, nặng... được chuốt rất độc đáo, xuống trầm không bị mờ mà lên cao thì bén ngót. Khi ông cất giọng, dù là những câu nói lối hay vào vọng cổ, người nghe đều cảm nhận được một sức nặng cảm xúc, một sự truyền cảm sâu sắc. 

Nhưng kỹ thuật mới là điều làm nên sự khác biệt. NSND Thanh Tuấn nổi tiếng với lối xử lý câu vọng cổ điêu luyện, đặc biệt là cách ông nhấn chữ, ém hơi, run, ngân, và luyến láy. Những nốt luyến của ông không chỉ để phô diễn kỹ thuật mà còn là phương tiện để đẩy cảm xúc lên cao trào. Cách ông “phiêu” trong câu vọng cổ vừa phóng khoáng, bay bổng, vừa chuẩn mực, không đi quá xa khuôn thước nhưng vẫn tạo được sự mới lạ, hấp dẫn. Ông biết cách tạo ra những khoảng lặng, những cú chuyển giọng bất ngờ nhưng hợp lý, khiến người nghe phải nín thở dõi theo và rồi vỡ òa trong cảm xúc.

Sự ra đời của “lối ca mang thương hiệu Thanh Tuấn” đã làm phong phú thêm cho nghệ thuật cải lương. Nó mang đến một luồng gió mới, một cách thể hiện khác biệt so với những tiền bối lừng danh như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... Ông đã chứng minh rằng, trên nền tảng những giá trị truyền thống, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể sáng tạo để định hình phong cách, dấu ấn cá nhân riêng biệt. Giọng ca và phong cách của ông đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này như Tuấn Thanh, Minh Tiến, Ngân Giang, Chiêu Tuấn, Ngân Tuấn, Lương Tuấn, Vũ Tuấn, Cảnh Tuấn, Trung Tuấn, Bùi Trung Đẳng,... cũng được cho là có cách ca ảnh hưởng từ nghệ sĩ Thanh Tuấn.

Gia tài đồ sộ với các vở cải lương và bài ca vọng cổ

Thanh Tuấn đã trải qua nhiều gánh hát, từ nhỏ tới đại bang như Thủ Đô Hương Hoa Lan, Minh Cảnh, Hương Mùa Thu, Kim Chung.. Qua đến ba lần đổi nghệ danh từ Thanh Liêm tới Hoài Trúc Linh, cuối cùng là Thanh Tuấn do soạn giả Thu An (trưởng đoàn Hương Mùa Thu) đặt. Nhìn lại chặng đường nghệ thuật kéo dài hơn nửa thế kỷ của NSND Thanh Tuấn, một gia tài nghệ thuật đồ sộ mà ông đã tạo dựng cho nghệ thuật cải lương. Đó là hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, vở cải lương được thu âm và sống mãi trong lòng khán giả. Có thể kể đến các bài ca Nhớ biển Nha Trang, Chuyến xe Tây Ninh, Dòng sông quê em, Cô gái tưới đậu, Em đi chùa Hương, Xác pháo nhà ai, Rước tình về với quê hương, Hoa tím bằng lăng…

“Chỉ nhìn thôi hỡi người em gái nhỏ, em có nghe chiều chiến khu mây lộng bốn phương …trời". Ở câu vọng cổ trên, các chữ in đậm chính là những chữ nhấn nhá mà khi chỉ nghe là biết mang màu sắc riêng của Thanh Tuấn.

Trong các vở cải lương, ông là một “kép đẹp” đa tài, có thể hóa thân vào nhiều loại vai khác nhau, từ kép mùi, kép độc, kép lẳng cho đến những vai lão. Mỗi vai diễn đều được ông đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm tòi cách thể hiện phù hợp nhất. Nhắc đến Thanh Tuấn, khán giả không thể quên những vai diễn đã trở thành kinh điển, gắn liền với tên tuổi ông:

Thế tử Ngũ Châu (Đường gươm Nguyên Bá) với sự ngông nghênh, bạo ác, độc đoán, ích kỷ. Ông đã lột tả được trọn vẹn sự tàn ác của nhân vật. A Khắc Chu Sa trong Người tình trên chiến trận, một chàng trai thất bại trong tình yêu và chấp nhận hy sinh tất cả vì người mình yêu. Và rất nhiều vai diễn khác như vai Cung trong Ánh lửa rừng khuya, vai đại úy Huy Bình trong Tìm lại cuộc đời, Thái giám Quách Hòe trong Bao Công tra án Quách Hòe… Đây thực sự là những vai diễn để đời, mà nhắc đến là người mộ điệu nghĩ ngay đến Thanh Tuấn.

Sự thành công của NSND Thanh Tuấn trên sân khấu còn gắn liền với những sự kết hợp ăn ý cùng các nữ nghệ sĩ tài danh như NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Thanh Kim Huệ... Những cặp đôi vàng này đã tạo nên biết bao vở diễn kinh điển, làm say lòng biết bao thế hệ khán giả. Giọng ca trầm ấm, mạnh mẽ của Thanh Tuấn hòa quyện cùng những giọng ca trong trẻo, ngọt ngào của các nữ nghệ sĩ đã tạo nên những màn song ca đi vào huyền thoại.

Gia tài nghệ thuật của NSND Thanh Tuấn không chỉ đo đếm bằng số lượng vai diễn hay bài ca vọng cổ, mà còn ở giá trị nghệ thuật và sức sống bền bỉ của nó. Những vở diễn, bài tân cổ giao duyên ông ca vẫn được khán giả tìm nghe, vẫn được các nghệ sĩ thế hệ sau học hỏi và hát lại. Ngoài ca diễn, ông còn là tác giả của hơn 80 bài vọng cổ, 2 tuồng cải lương và là thầy của những thế hệ nghệ sĩ sau này cùng chung ngọn lửa đam mê nghệ thuật cải lương. Tất cả những điều ấy làm nổi bật thêm một Danh ca với phong cách ca vọng cổ riêng - trường phái Thanh Tuấn.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow