Hành trình của Điệu lý từ dân gian đến tài tử cải lương

Trong tài tử cải lương, các điệu lý đứng ở vị trí đầu tiên. Nhứt lý - Nhì Ngâm - Tam Nam - Tứ Oán. Và không phải tự nhiên mà Lý lại được ưu ái như thế!

Hành trình của Điệu lý từ dân gian đến tài tử cải lương

Buổi sơ khai của các điệu lý

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về văn học văn hóa dân gian, các điệu lý hình thành bằng cách truyền miệng khi mà người dân từ Bắc vào Nam với các công cuộc khai khẩn đất hoang. Những điệu Lý này là cách biểu thị tinh thần lạc quan trong cuộc sống, vượt qua mọi gian nan, khắc phục khó khăn, luôn yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu mọi thứ ở xung quanh để mở đầu một cuộc sống mới, ở một vùng đất mới.

Các điệu lý đã tồn tại từ rất lâu, được xem như là một nét độc đáo trong đời sống tinh thần của từng người dân Việt Nam. Lý xuất hiện trong lời ru của bà của mẹ, từ những câu hát dân gian, đờn ca tài tử, Lý trải dài từ Bắc đến Nam, nhưng phổ biến nhiều nhất là từ Thừa Thiên Huế, Nam Trung bộ trải dài đến khu vực Nam bộ. Những điệu Lý song hành cùng người dân địa phương tạo nên nét đặc trưng riêng, tuy mộc mạc, giản dị nhưng luôn mang chất ngọt ngào, trữ tình và đặc sắc. Các điệu Lý là thể loại âm nhạc dân gian truyền miệng, sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, kết hợp với cụm từ, điệp ngữ, âm đệm... tưởng như dư thừa trong câu hát, nhưng đó chính là cái hay để thể hiện mọi cung bậc tình cảm của điệu Lý. Như bài Lý lu là, lời gốc: Ai về Giồng Dứa qua truông. Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em. Nhưng khi hát phải thêm những câu đệm: Ai về Giồng Dứa (mà) qua truông. Gió lay (lu là) bông sậy (ơi nàng ơi) bỏ (ớ ơ ơ) buồn (ơi nàng ơi mà) cho em…

Điệu Lý có thể bắt nguồn từ mọi thứ trong cuộc sống


Những điệu Lý thường sinh động về nội dung, phong phú về điệu thức và rất đa dạng về ngôn từ. Lý như là những điệu hát dân dã, dễ nhớ, không cầu kỳ, bóng bẩy giàu chất văn chương bác học. Mỗi điệu Lý thường có nội dung rõ ràng, nói về những kinh nghiệm trong sản xuất như Lý đất giồng, Lý kéo chài. Ca ngợi cái đẹp trong thiên nhiên như Lý chim xanh, Lý giọng bóng. Ca ngợi đức tính tốt của con người như Lý Ba Tri, Lý cái kéo. Hoặc mỉa mai, châm biếm cái xấu, bọn cường hào như: Lý con khỉ, Lý bình vôi, Lý kêu đò...

Ngoài ra, Các điệu Lý còn được đặt tên theo các loại cây trái, bông hoa, chim thú, cá nước, bánh trái hoặc các vật dụng quen thuộc, các phương tiện lao động hàng ngày, hay các nhân vật tầng lớp trong xã hội, đến các phong tục, lễ nghi, hội hè. Như Lý cây khế, Lý cây mù u, Lý con mèo, Lý con sam, Lý bờ đắp, Lý chim thằng chài... Có những tên điệu Lý nghe rất lạ như: Lý cháo Lý cơm, Lý nón treo, Lý xôi vò, Lý cơm khô Lý cơm cháy, Lý ông Thôn, Lý chú Chệt, Lý bập boòng boong... Qua đó, chúng ta thấy tên các điệu Lý đều xuất phát từ những đồ vật, sự kiện, cảnh vật hoặc những nhân vật có thực trong đời sống của người lao động. Bất cứ cái gì họ gặp, họ thấy, họ biết đều có thể trở thành điệu Lý. Và vì Lý xuất hiện trong lao động, nên người ta cũng hát Lý trong lúc lao động và cả lúc nghỉ ngơi. Đó là cách bày tỏ tâm sự, nói lên tình cảm lạc quan, ước mơ, khát vọng của người ta trước cuộc sống.

Mỗi địa phương  -  một điệu lý

Lý được truyền khẩu từ người này qua người khác, vùng này qua vùng khác. Do đó, Lý có những dị bản rất khác nhau khi đi qua nhiều địa phương. Như bài Lý con sáo bắt nguồn từ câu ca dao quen thuộc : "Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng bay xa", khi con sáo “bay” từ miền Trung đến miền Tây Nam bộ đã biến hóa thành hơn 42 bài Lý con sáo khác nhau. Hoặc từ câu ca dao quen thuộc: "Ngựa ô anh khớp kiều (yên ngựa) vàng. Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh", tuy nội dung vẫn là tâm sự của chàng trai xa quê ao ước sắm đủ lễ vật để đưa người yêu về thăm quê nhà nhưng có đến 30 biến thể khác nhau. Bắt nguồn từ đất Thuận Hóa theo chân đoàn người đi khai phá vùng đất mới về phía Nam và mỗi lần qua một địa phương, điệu Lý ngựa ô lại thay đổi một chút, âm sắc khác nhau từ miền Trung vào đến miền Nam. Qua đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi có nhiều điệu Lý có cùng nội dung nhưng khác nhau về giai điệu. Đặc biệt, một số điệu Lý không thể thiếu và được dùng như một thể loại, một chất liệu để làm phong phú cho làn điệu đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ. Mang tính chất vui như: Lý đêm trăng, Lý tầm quân, Lý kéo chài, Lý con khỉ... Mang tính chất buồn như: Lý trăng soi, Lý bông dừa, Lý Ba Tri, Lý Cái Mơn... Vì thế, người dân Nam bộ đã xếp theo thứ bậc: "Nhất Lý, Nhì Ngâm, Tam Nam, Tứ Oán".

Điệu Lý trong tài tử cải lương

Thể hiện cảm xúc trong các bài tân cổ, tuồng cải lương chính là nét đặc sắc của các Điệu Lý. Chỉ cần vài câu hát ngắn thì tâm trạng, cảm xúc của nhân vật đã được cô đọng lại trong các ca từ của điệu lý. Lý cũng được hát đệm trước khi nghệ sĩ sắp bắt đầu vào câu vọng cổ. Từ ông vua, bà hoàng hậu hay ông nông dân, cô ca sĩ trong cải lương đều dùng điệu lý để bày tỏ cảm xúc cùng với điệu bộ, ánh mắt nét mặt mà người nghệ sĩ thể hiện. Những điệu hay được dùng nhiều nhất là :

Lý Con Sáo
Lý Ngựa Ô (Nam và Bắc)
Lý Cây Bông
Lý Giao Duyên
Lý Qua Cầu
Lý Chiều Chiều
Lý Cái Mơn
Lý Chiều Chiều Huế

Trong đó, buồn thì hát Lý Con Sáo, Lý Chiều Chiều. Vui thì hát Lý Chim Xanh, Lý Đêm Trăng. Từ đó từng câu ca điệu lý ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ từ lúc nào cũng không biết.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow