Tân cổ giao duyên là gì?
Một hình thức hát cải lương độc đáo đã được sáng tạo và phát triển hơn nửa thế kỷ qua.
Tân cổ giao duyên là gì?
Tân cổ giao duyên hay gọi tắt là tân cổ, là một thể loại “cải lương đặc biệt”, ra đời khoảng những năm 50-60 của thế kỷ trước. Đây là một thể loại được sáng tạo trên nền tảng cải lương, đờn ca tài tử truyền thống, là sự kết hợp độc đáo giữa tân và cổ nhạc, lồng ghép vào cùng một bài tân cổ giao duyên.
Giao duyên trong từ điển tiếng việt có nghĩa là “trao đổi tình cảm của hai bên trai gái trong ngày hội”. Vậy tân cổ giao duyên nghĩa là sự kết hợp, giao thoa giữa hai thể loại âm nhạc, một bên mang nét truyền thống và một bên là chất hiện đại.
Từ khi vừa ra đời, thể loại tân cổ giao duyên đã nổi lên nhanh chóng như một hiện tượng. Chỉ vài năm sau đó, thời đại thịnh hành của tân cổ giao duyên bắt đầu. Thật ra, thời điểm sơ khai, giới tân nhạc có một số ý kiến trái chiều về sự kết hợp này, vì vốn dĩ cải lương đã mắc phải nhiều kỳ thị. Tuy nhiên cũng có những ý kiến vô cùng tán đồng về sự lồng ghép này, để tân cổ giao duyên có được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ đến ngày nay
Cha đẻ của Tân cổ giao duyên là ai?
Có nhiều ý kiến cho rằng cha đẻ của bản Tân cổ giao duyên đầu tiên là ông vua vọng cổ NSND - soạn giả Viễn Châu, ông cũng là tác giả của hơn 2000 bài vọng cổ, trong đó không ít bài là tân cổ giao duyên. Hoặc cũng có ý kiến khác nói rằng soạn giả Lê Khanh mới thực sự là người khởi xướng việc ghép nhạc vào bài vọng cổ để hình thành bài “tân cổ giao duyên”. Xin được nhắc lời của NSND - soạn giả Viễn Châu - “Hơn nửa thế kỷ, công chúng chẳng cần biết ai là cha đẻ của hình thức thể điệu này, chỉ biết nó tồn tại khi người nghe cảm thấy hợp với tâm trạng của mình.” Đó là điều làm ông hạnh phúc nhất.
Do đó, những bài tân cổ giao duyên xây những “viên gạch” đầu tiên có thể là Chàng là ai? (Nhạc: Nguyễn Hữu Thiết, Vọng cổ: Viễn Châu), Dưới ánh trăng xuân (Nhạc: Lam Phương, Vọng cổ: Viễn Châu), Cô lái đò (Thơ: Nguyễn Bính, Nhạc: Nguyễn Đình Phúc, Vọng cổ: Lê Khanh - Thiếu Linh). Đã nhiều năm trôi qua, bài tân cổ giao duyên được định hình và ngày càng phát triển, ngày càng đi sâu vào lòng người, thể hiện sức hút không lẫn đi đâu được của nó.
Sự khác biệt của Đờn ca tài tử, Tuồng cải lương và Tân cổ giao duyên
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật của đờn và ca, thường sử dụng 20 bài bản tổ của Cải lương. Sau những giờ làm việc, hàng xóm, bạn bè sẽ ngồi lại quây quần bên tiếng đàn lời ca, rồi dần dần không khí và hình thức này cũng được mang sân khấu biểu diễn.
Tuồng cải lương sử dụng nhiều bài bản trong 20 bài bản tổ, cũng là đờn và ca nhưng kết hợp trình diễn, hóa thân vào nhân vật, thể hiện tâm trạng, thần thái của nhân vật trong một tuồng. Tuồng cải lương có mở đầu, kết thúc và truyền tải đến người nghe, người xem qua lời ca tiếng đờn.
Còn bài tân cổ giao duyên là bài ca 6 câu vọng cổ được cắt bớt đi 2 hoặc 3 câu để xen vào đó một đoạn “Tân nhạc” (thường là những bản bolero, mang âm hưởng dân ca), cũng có một câu chuyện ngắn. Sự kết hợp giữa tân và cổ nhạc rất thú vị, đem lại cho người nghe những âm hưởng luôn luôn biến thoát, rất bắt tai, làm tăng thêm sự cảm khoái của người thưởng thức và cả người nghệ sĩ khi trình diễn.
Có thể thấy, đều là ca, diễn, đờn nhưng cải lương được sáng tạo thành nhiều thể loại khác nhau, mà loại nào cũng hay cũng được nhiều người ưa chuộng và trân quý đến nay.
Một số bài tân cổ giao duyên nổi tiếng có thể kể đến như:
Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà (Soạn giả: Viễn Châu),
Rước tình về với quê hương (Nhạc: Hoàng Thi Thơ Vọng cổ: Loan Thảo),
Bánh bông lan (Soạn giả: Quế Chi),
Con gái của mẹ (Nhạc: Giao Tiên, Vọng cổ: Loan Thảo),
Mưa trên phố Huế (Nhạc: Minh Kỳ. Vọng cổ: Loan Thảo),
Tình sử Dương Quý Phi (Soạn giả: Viễn Châu),
Chuyện tình Lan và Điệp (Nhạc: Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh - Vọng cổ: Viễn Châu),
Hàn Mặc Tử (Soạn giả: Viễn Châu),
…
Phản ứng của bạn là gì?