Sự thật về điệu Vọng Kim Lang

Vọng Kim Lang - Một thể điều đặc biệt xuất phát từ nghệ thuật Bài Chòi, đến nay đã trở thành một bài bản nổi tiếng trong nghệ thuật Cải Lương.

Sự thật về điệu Vọng Kim Lang

Ở nghệ thuật Bài Chòi

Có nhiều nhầm lẫn về nguồn gốc của thể điệu Vọng Kim Lang. Nhưng khi tìm về Bình Định, "cái nôi" của Nghệ thuật Bài Chòi, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định đã cho biết: Tác giả của tác phẩm gốc Vọng Kim lang là cố nhạc sĩ Hoàng Lê (1924 - 1987).

Cố nhạc sĩ chính là “ngôi sao sáng” của Nghệ thuật Bài Chòi. Ông có khiếu âm nhạc, có tài sáng tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, sến, hồ, nhị… Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hoàng Lê đã có những cải biên, đặt lời mới lấy chất liệu từ những điệu dân ca duyên hải Nam Trung Bộ, để sử dụng cho rất nhiều vở diễn Bài Chòi nổi tiếng. Và Vọng Kim Lang là một trong số những thể điệu đó. Vọng Kim Lang có nghĩa là Nhớ chàng Kim Trọng được ông viết cho vở Bài chòi “Nghìn thu vọng mãi”.

Ở nghệ thuật Cải Lương

Khoảng năm 1976 - 1977, NSND Thanh Hải tình cờ nghe thể điệu Vọng Kim lang trên sóng phát thanh của Liên khu V, liền thấy rất thích. Sau đó, khi nhạc sĩ NSND Văn Giỏi hỏi: "Bên ca Huế và ca Bài Chòi hiện có bài nào hay không?", NSND Thanh Hải đã đàn bài Vọng Kim lang cho bạn mình nghe. Thế là, 2 người hợp soạn phần tiền tấu (intro) cho bài Vọng Kim lang rồi hòa tấu theo cách riêng mình. Độ dài phần tiền tấu này gần gấp đôi thời lượng của bài gốc. Ban đầu, 2 nhạc sĩ dùng Vọng kim Lang (đã chuyển thể) làm nhạc nền hòa tấu, Tuy nhiên sau đó, Vọng Kim Lang được viết lời ca và phổ biến đến mức hầu như tuồng cải lương nào cũng có sự xuất hiện của thể điệu này.

Vậy, Vọng Kim Lang có nguồn gốc từ nghệ thuật Bài Chòi, được NSND Thanh Hải và NSND Văn Giỏi cải biên lại và dần phổ biến trong nghệ thuật Cải lương Hồ Quảng đến Tâm lý xã hội.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định nhận xét: "Vọng Kim Lang vào Cải lương khác bản gốc khá nhiều. Vọng Kim Lang của Bài Chòi trúc trắc, có khuôn khổ, không thể biến tấu. Còn trong Cải lương, các nghệ sĩ ngâm, ca điệu này một cách mượt mà, rất hay và hợp”.

Vọng Kim Lang ở hiện tại

Vọng Kim Lang trong các tuồng cải lương thường dùng cho các nhân vật chính trong những lúc có điều nhớ nhung, trăn trở, muốn giãi bày tâm sự. Trong các bài tân cổ, vọng cổ, Vọng Kim Lang thường được "gối đầu" trước câu vọng cổ thay cho tân nhạc hoặc cũng có thể xuất hiện trong lòng các câu vọng cổ.

Vọng Kim Lang có giai điệu đẹp, mượt mà, tha thiết, hoài vọng. Có chỗ dâng trào rồi lại trở về nét êm dịu, tha thiết, lắng đọng. Với cấu trúc gồm 24 câu nhịp đôi. Song Lang được gõ ở những nhịp chính. Trong Cải lương, người ta thường nhắc đến Vọng Kim Lang cùng với điệu Đoản Khúc Lam Giang và Phi Vân Điệp Khúc.

Trên nền giai điệu này, nhiều tác giả đã viết thêm phần lời, thêm giai điệu để Vọng Kim Lang có mặt trong nhiều tác phẩm nổi tiếng. Trong đó, phải kể đến bài Vọng Kim lang được bắt đầu như sau “Ôi tuổi xanh mộng mơ vấn vương tháng năm mong chờ. Hứa duyên trao lời. Ngày anh về lứa đôi thành hôn… Đây là bài Vọng Kim Lang phổ biến nhất, được nhiều người thuộc nhất. Cũng có nhiều ca sĩ mà tên tuổi đã gắn liền với giai điệu, lời ca trên như cố ca sĩ Phi Nhung, Giáng Tiên, Nhật Kim Anh…

Một thể điều đặc biệt xuất phát từ nghệ thuật Bài Chòi, đến nay đã trở thành một bài bản nổi tiếng trong nghệ thuật Cải Lương. Vọng Kim Lang dễ ca, dễ nghe - một minh chứng về sự phát triển của nghệ thuật cải lương ở thời điểm hiện tại theo một cách đặc biệt nhất.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow