Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài và 2 phiên bản cải lương bất hữu
Nói về Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài thì chắc hẳn không ai là không biết. Một thiên tình sử đẫm nước mắt, bao nhiêu trắc trở khiến 2 người yêu nhau mà không đến được với nhau, chỉ đến khi mất đi họ mới được bên nhau trọn kiếp.
Giới thiệu chung về 2 phiên bản cùng nổi tiếng như nhau
Về với nghệ thuật cải lương, Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài thật ra có đến 2 phiên bản, một phiên bản cải lương tuồng cổ do 2 nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Kim Huệ thủ vai chính và một phiên bản cải lương hồ quảng làm nên tên tuổi của cặp đôi uyên ương sân khấu Vũ Linh - Tài Linh. Một bản là các bài bản cải lương truyền thống, một bản kết hợp nhiều tiểu khúc Hồ Quảng. Và cả 2 bản đều vô cùng thành công rực rỡ.
Phiên bản cải lương tuồng cổ
Cũng là chuyện tình của Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài nhưng bản tuồng cổ của nghệ sĩ Minh Vương và Thanh Kim Huệ là bản thu thanh. Đây là một trong những bản thu thanh đầu tiên của vở tuồng kinh điển này. Và lẽ dĩ nhiên cặp đôi "Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài", Minh Vương - Thanh Kim Huệ cũng trở nên kinh điển. Được thu âm khi còn trẻ, nàng “Chúc Anh Đài” và chàng “Lương Sơn Bá” đều rất chỉnh chu khi biến hóa uyển chuyển theo cuộc đời của nhân vật.
Chúc Anh Đài lúc ở nhà là một tiểu thư đài cát, lúc thì nũng nịu, lúc lại đoan trang, hiền dịu. Khi giả trai đi du học xa nhà, lại ra dáng nghiêm nghị, thư sinh nhưng cũng day dứt, e lệ vì khó bày tỏ một tình yêu thầm kín. Đến cuối cùng lại đau đớn, tuyệt vọng, nghẹn ngào khi người yêu vì mình mà đau khổ đến mức phải rời xa trần thế. Chàng Lương Sơn Bá của nghệ sĩ Minh Vương cũng thể hiện được nét thư sinh, nghiêm trang mà hơi vụng về. Sự vô tư khi không đoán ra người bạn cùng học là nữ cải nam trang. Để rồi day dứt đau khổ thống thiết đến cuối đời khi yêu nhau mà không có cách nào đến được với nhau.
Đoạn chàng Lương thổ huyết khi nghe tinh nàng Chúc sắp phải nghe lời song thân lấy Mã Văn Tài, rồi sau đó uất ức, đau thương mà chết đã làm xé tim biết bao thế hệ khán giá. Nghệ sĩ Minh Vương đã lột tả từng chi tiết cảm xúc xé lòng, trong đợi mỏi mòn của chàng Lương qua lớp Văn Thiên Tường: “Anh Đài ơi, anh với em không phải vợ chồng ngâu, sao vẫn mãi đợi mãi chờ mà đàn quạ vẫn biệt tăm. Ơi hỡi Anh Đài, em có biết có hay, trời chẳng giọt ngâu, sao lòng tầm tả giọt châu. Ai bày điều trái ngang?.... Anh Đài ơi, anh đợi chờ mòn mỏi, sao em vẫn biệt tăm, chắc là kể từ đây, và muôn vạn ngày sau cho trọn cuộc đời. Xa cách một lần là cách xa mãi mãi. Ôi tình tuyệt vọng, sẽ mang theo đến tận chốn tuyền đài.”
Tiếng kêu xé lòng: “Lương huynh, bớ Lương huynh, những tưởng sanh ly ai lại ngờ đâu tử biệt, mới thấy đó mà ngàn thu vĩnh quyết, bớ lương huynh chậm bước đợi Anh… Đài…” và lớp Văn Thiên Tường “ Ôi hỡi Lương… huynh, mảnh khăn hồng, còn thấm máu tươi. Tình dang dở, mà người đã xui tay. Ôi trời già lá lay, duyên trăm năm đã lỡ, tình một thuở ngậm ngùi…” là những lời ca ngập tràn đau đớn khi biết tinh người yêu mình đã chết được thể hiện thành công bởi một nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đẹp cả về thanh lẫn sắc.
Phiên bản cải lương hồ quảng
Đoạn Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài lần đầu gặp nhau nơi Nam sơn tiểu lộ, rồi ước hẹn, thề thốt với nhau là đoạn được nhiều người nhớ nhất qua 2 bài bản Hoàng Mai Long Thanh và Hoàng Mai kết bạn. Ở phiên bản này, cố NSƯT Vũ Linh đã đóng gặp với 2 cô đào là nghệ sĩ Tài Linh và nghệ sĩ Phượng Mai, và cả 2 đều được ủng hộ nồng nhiệt, từng điệu bộ, cử chỉ đều làm say đắm lòng người.
Có thể nói đây là vở cải lương Hồ Quảng được nhiều người hâm mộ nhất cho đến hiện tại. Sức hút của nó nằm trong cách ca diễn tài tình của những nghệ sĩ. Cải lương Hồ Quảng quan trọng ở cách luyến láy, nhả chữ, điêu bộ tướng đi dáng đứng của từng nhân vật, kết hợp với những lời ca mượt mà, sâu lắng trong những bài bản của Hồ Quảng mang âm hưởng nhạc Đài Loan.
“LSB: Chim rừng líu lo cảnh thơ mộng quá
Đôi lời thăm hỏi đường đến trường,
Mắt nhìn hai lối khó mong tri quan lộ
Xin người chỉ giúp giùm cho.
CAĐ: Đây miền nam núi chập chùng mà người đời đặt tên là Nam sơn
Nhiều lối đi lên tới ngôi trường
Ngôi trường gần đây cách hai đèo
Trường ta là đi hướng đi sơn đèo.”
Hay đoạn nàng Chúc khéo léo dẫn dắt việc mình là con gái, nhưng chàng Lương lại quá thờ ơ, vô tâm mà không nhận ra. Nàng đã tinh tế lòng ghép chi tiết bác tiều phu vì vợ con, Ngỗng và cá quấn quýt nhau vì có trống và mái, mà chàng lại không một chút để tâm. Bài bản Hoàng Mai đố cá được chọn ở khúc này thật sự dễ thương, cảm xúc, diễn tả được sự “bất lực” của nàng Chúc trước sự “không tinh tế” của chàng Lương.
“CAĐ: Anh nhìn thử xem, mấy lời em đố anh. Ngỗng kia có đôi kết tình. Đố mà anh tìm. Anh tìm ra con mái, anh chỉ cho em tường. Nói rõ coi nào, nào là nào biết không
LSB: Anh nhìn thử xem, mấy lời em đố anh. Ngỗng kia mến nhau kết tình, khó mà anh tìm. Con nào là con mái, không thể truy ra rồi. Ngắm rõ coi nào, nhìn là nhìn nó giống nhau
CAĐ: Đôi lứa mình, giống như ngỗng kia mến nhau. Đã nên mối duyên sắc cầm, duyên xứng duyên
LSB: Nói em nói, sai rất sai. Ta giống trai kia mà.”
Và một đoạn trích được khán giả yêu thích nữa của phiên bản này là lúc đồng ý lên xe hoa về nhà họ Mã, Chúc Anh Đài đưa ra điều kiện để được đến mộ chàng Lương. Sự quyết tâm của nàng con gái vì người mình yêu đã vì yêu mình mà ra đi mãi mãi:
“CAĐ: Xe hoa đi trước phải có đèn tang. Theo sau xe muôn giấy phát tuông. Rải thứ giấy tiền ma a tỳ. Xe hoa phải ghé trước ngay ngôi mộ ở đường Nam Sơn
C.ông: Xe hoa Mã Văn Tài đính hôn. Cớ sao mi thốt bao lời, ta chẳng cho
CAĐ: Trên cha chẳng cho, dưới thì con. Anh Đài con xin chết, thề không tuân.”
Tình yêu vĩnh cửu của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài
Lương – Chúc ban đầu nảy sinh tình cảm mà kết duyên, nhưng sau vì giữ trọn trung nghĩa mà hai người đều tận mệnh. Lương – Chúc không vì tư tình nam nữ mà làm trái ý Trời, không cãi lệnh cha mẹ, thà rằng tự mình chịu đựng, kìm nén cảm xúc nhớ mong và đau khổ của ly biệt. Tình yêu của họ không mang cái dục của phàm tục, mà là biểu hiện một cách chân thành, vô tư, và thuần khiết, bởi vậy đã làm cảm động trời đất.
Chính vì trung nghĩa vẹn toàn, chuyện tình Lương – Chúc mới có thể trường tồn với thời gian, đến ngàn năm vẫn còn truyền tụng. Vì vậy hãy yêu nhau thật nhiều khi còn có thể, trân trọng tình yêu, để rồi khi mất đi sẽ vô cùng hối hận như chàng Lương hối hận vì không biết sớm hơn Chúc Anh Đài là nữ, nàng chúc hối hận vì 2 người yêu nhau lại không thể cãi lại luân thường đạo lý mà đến bên nhau.
“Nơi cõi trần ta chẳng gần nhau, nơi cõi tiên có thiếp có chàng. Đôi bướm xinh bay lượn kề nhau, kết mối duyên tâm đồng Lương Chúc hiệp hòa. Chuyện tình đẹp nhân thế lưu truyền, như áng mây cho đời ngậm ngùi xót xa, Sơn Bá xe duyên Chúc Anh Đài ghi chuyện tình đẹp duyên ngàn năm.”
Phản ứng của bạn là gì?