Bản vọng cổ kinh điển “Tình Anh Bán Chiếu”
“Hò ơ! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hò ơi, tôi gối đầu mỗi đêm. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra...chào.”
Khi nói về một bản vọng cổ kinh điển thì chắc chắn phải nhắc tới Tình Anh Bán Chiếu của cố NSND Soạn giả Viễn Châu. Trong giới mộ điệu cải lương, từ già đến trẻ hầu như ai cũng biết đến và ca được câu vô vọng cổ của bài này “…. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào.”
Từ khi mới ra đời, giới đờn ca tài tử khi đó đã rất thích bài ca Tình Anh Bán Chiếu và cũng như bài này đã được rất nhiều người thuộc nằm lòng. Do vậy mà đi đâu cũng nghe ca, ở thâm sơn cùng cốc nào cũng nghe ca, ở tiền đồn biên giới cũng ca, thậm chí là trong trại cải tạo người ta cũng ca được bài này. Vậy vì sao mà bài vọng cổ này lại trở nên phổ biến đến thế?
Hoàn cảnh nào cho ra đời bản vọng cổ kinh điển?
Phải nói đến xuất xứ của bài ca này được chính tác giả Soạn giả Viễn Châu kể lại như sau: “Năm 1961, ông Giám đốc Hãng Đĩa Nhạc Hồng Hoa cho tôi biết Đệ Nhất Danh Ca Út Trà Ôn đã ký với hãng của ông một hợp đồng làm việc, vì vậy tôi phải sáng tác ngay một bản vọng cổ để Út Trà Ôn ca bản đầu tiên thâu đĩa hát! Ngay sau đó tôi có công chuyện đi Bạc Liêu, khi về ngang Ngã Bảy, Phụng Hiệp tôi vô quán cà phê nghỉ chân, thấy một anh bán chiếu trẻ dáng quê mùa, hiền lành đang ngồi dưới một mái hiên nhà nghỉ chân, tay cầm nón lá quạt quạt.
“Dưới sông ghe thuyền tấp nập, phía trong đồng lại có một đám cưới đang rước dâu trên đường… Thế là tôi nghĩ ra một chủ đề. Anh bán chiếu có một mối tình thầm kín với cô gái đặt mua chiếu, năm sau anh đem chiếu lên giao thì cô đã đi lấy chồng… Anh bán chiếu thất tình, thất vọng và nỗi buồn của anh dâng trào như con sông “lai láng muôn dòng”. Trên đường từ Ngã Bảy về tới Sài Gòn đêm đó, tôi đã soạn xong bản “Tình Anh Bán Chiếu” trên xe !”
Do đâu “Tình Anh Bán Chiếu” lại thu hút tới như vậy?
Ông cũng nói: “Một bài vọng cổ phải có cốt truyện, phải có vai chính như trong một truyện ngắn. Bài hay trước nhất là ở cốt truyện.” Do đó, dễ hiểu tại sao người ta lại mê Tình Anh Bán Chiếu đến thế. Có lẽ vì người ta thương cảm cho cái tâm trạng đau khổ của chàng trai nghèo bán chiếu. Dù không một lần thổ lộ, nhưng Anh bán chiếu nghèo đã dành cho cô khách mua chiếu một tình cảm thầm kín, anh cũng đặt mơ ước hy vọng vào một tương lai khi “đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai” để người trong mộng “điểm tô giữa chốn loan phòng”. Vậy mà ngày giao chiếu như ước hẹn cũng là ngày biết tin “cô theo chồng đã được bốn trăng qua”. Anh chỉ biết trách than “mình dám đâu sai hẹn với người ta, mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác.”. Rồi “tôi đứng trước cổng vườn xưa, nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai?”
Chúng ta bắt gặp một hình ảnh đối lập của hai nhân vật trong bài ca, một bên là Anh bán chiếu trẻ tuổi, lam lũ với “chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi” và "cô gái mỹ miều bên Kinh Ngã Bảy" bên chiếc giường sơn gõ đỏ. Số phận, giai cấp đã không thể nào đưa họ đến bên nhau khi một bên là giàu sang, còn một bên là lam, lũ cơ hàn. Tình yêu cũng chỉ là một sự ảo tưởng trong vô thức của chàng trai nghèo bán chiếu mà thôi. “Người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung, để mình vác cặp chiếu bông, chờ đợi chi nữa cho uổng công đợi chờ”.
Hiện tượng của giới cải lương
Mặc dù khi viết Tình Anh Bán Chiếu, Soạn giả Viễn Châu đã thêm khá nhiều chi tiết hư cấu so với chuyện thật. Nhưng câu chuyện mà ông viết ra thật sự đã làm cảm động cả giới mộ điệu cải lương. Người nghe đâu cần biết những tình tiết đó có hoàn toàn đúng hay không, cũng không cần biết hai nhân vật kia là có thật hay không. Tất cả chỉ thấy rằng Anh bán chiếu sao mà khổ quá, vô cùng đáng thương và nghe lời ca sao mà buồn quá.
Lại nói, một sự chấn động làng cải lương miền Nam đã diễn ra khi Tình Anh Bán Chiếu xuất hiện với giọng ca của Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, bởi vậy mà nhắc đến Tình Anh Bán Chiếu là người ta nghĩ ngay đến Út Trà Ôn không sai đi đâu được. Nhờ vậy đó, mà theo năm tháng, đi đâu người ta cũng biết đến Tình Anh Bán Chiếu đã từng là một huyền thoại trong làng nghệ thuật cải lương.
Bản vọng cổ kinh điển Tình Anh Bán Chiếu:
“Hò ơ! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp... hò ơi, tôi gối đầu mỗi đêm.
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra...chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào. Tôi đã vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm Rẩy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm.
Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước, có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng. Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng. Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy, tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai. Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã rời bỏ quê nhà sang qua xứ khác. Tôi đứng trước cổng vườn xưa, nỗi buồn man mác, còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai?
Nhớ năm ngoái, khi ghe vừa tới vàm sông Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô. Cô đưa tôi vào chốn phòng riêng để đo ni chiếc giường gõ đỏ và cô đặt làm đôi chiếu, cô hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi tôi sắp sửa lui ghe, cô còn đứng trên đến bến dặn dò kỹ lưỡng. Sau khi cô đà quay gót, chiếc áo bông hường cũng khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để dấu đôi dòng nước mắt, vì không muốn bàng quang thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tình.
Khi hỏi lại xóm giềng, tôi mới biết, cô theo chồng đã được bốn trăng qua. Mình dám đâu sai hẹn với người ta, mà họ đành đoạn bỏ nhà đi xứ khác.
Tôi vác đôi chiếu bông mà cõi lòng tan nát, bước chân đi như thể xác không ...hồn. Nước mắt cứ tuôn rơi theo lá rụng trên đường. Gió đông vụt vù thổi mạnh, lạnh đất trời, lạnh đến cả tâm can. Người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung, để mình vác cặp chiếu bông, chờ đợi chi nữa cho uổng công đợi chờ.
Khuya đêm nay ngồi chờ nước lớn, nỗi buồn đau cứ canh cánh bên lòng. Tôi thấy đời tôi sao lạnh lẽo khôn cùng. Còn chi buồn hơn nghề bán chiếu, chỉ để tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân. Đến khi họ cất bước sang ngang lại không một lời hỏi han từ giả, đến đôi chiếu bông tôi đã bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã, mà nay vẫn còn nằm trơ ở dưới khoang thuyền.
Ngọn gió đêm đông, đừng thổi nữa, lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi! Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi, lòng nặng trĩu một nỗi sầu tê tái. Tôi ngồi yên sau lái, đôi mắt vẫn hướng về nẻo cũ, vườn xưa. Hỡi ơi, con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn dòng. Có ai biết được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lở, bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai.”
Phản ứng của bạn là gì?