Cấu trúc 20 bài bản tổ Cải Lương

Năm 1900, bảng xếp loại đầu tiên của Thầy Ba Đợi ra đời, được gọi là 20 bài bản tổ, bao gồm: Sáu bản Bắc, Bảy bản Lễ, Ba bản Nam và Bốn bản Oán.

Cấu trúc 20 bài bản tổ Cải Lương

Theo chiều dài lịch sử Cải Lương, hiện nay có thể thấy sự hệ thống hóa trong cấu trúc bài bản một cách tương đối rõ ràng. 20 bản tổ chia ra 4 loại theo 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông) và 4 hướng (Ðông, Tây, Nam, Bắc), như sau:

- Sáu bản Bắc: Lưu Thủy Trường, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Xuân Tình, Tây Thi, Cổ Bản.
- Bảy bản Lễ: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.
- Ba bản Nam: Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái , Đảo Ngũ Cung + Song Cước .
- Bốn bản Oán: Tứ Ðại Oán, Phụng Hoàng Lai Nghi, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng Duyên.
 Và 4 bản Oán phụ gồm: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Xuân Nữ.

1. Sáu bài Bắc:

Được xếp vào mùa Xuân, giọng nhạc vui tươi. Nhạc sĩ đờn 6 bài này thì quay mặt về hướng Bắc. Các bài này đều có điệu vui, ngắn gọn.

Lưu Thủy Trường (được phát triển từ bài Lưu Thủy Đoản hay Lưu Thủy Vắn). Thể điệu nhạc nhàn hạ, khoan thai, phù hợp với cảnh trí thanh nhàn, non xanh nước biếc, cỏ hoa chim chóc. Bài này có 4 lớp, 32 câu (8, 6, 12, 6).

Phú Lục Chấn, một số nhạc sĩ cho rằng bản này xuất phát từ bài Phú lục ở Huế và được phát triển từ một loại thơ cổ.  Khi mới vào Nam Bộ được cải lương hóa thành bài Phú Lục Vắn (17 câu, nhịp 1), sau phát triển thành bài Phú Lục Chấn của nhạc tài tử (34 câu nhịp 4), thể điệu mang tính chất sôi nổi, hào hứng, rộn rã, khẩn trương . Bài này rất nghiêm chỉnh cân đối, câu đối câu, nhịp đối nhịp, có 4 lớp (8, 8, 8, 10).

Bình Bán Chấn, phát triển từ bài Bình Bán, đến Bình Bán Vắn và sau đó là Bình Bán Chấn. Gốc từ bài Bình Bán có chất vui tươi, sảng khoái, nay Bình Bán Chấn lại tăng tính khoan thai, đĩnh đạc, nghiêm trang. Bài này phức tạp, khúc mắc nên ít được dùng trên sân khấu.

Xuân Tình Chấn được phát triển từ bài Xuân tình vắn, mang tính chất vui tươi, nhộn nhịp, càng về sau càng sôi động, rộn rã hơn, các câu nhạc gần như đối đáp với nhau, âm điệu vang, trong sáng, nồng nhiệt.

Tây Thi Vắn, hay còn gọi là Tây Thi, mang tính chất nhẹ nhàng, trong sáng, có tính tự sự, không gay gắt như Phú Lục và có dung lượng ngắn nhất trong 6 bài bắc. Tây Thi cùng với Lưu Thủy Trường là hai bài có giai điệu đẹp và dễ nhớ nên thường được sử dụng nhiều hơn các bài khác. Bài này có 26 câu, 3 lớp (9, 13, 4).

Cổ Bản Vắn với tính chất sinh động, vui tươi với giai điệu gãy gọn, tiết tấu nhanh nhưng không dồn dập.

2. Bảy bài nhạc Lễ:

Xếp vào mùa Hạ, nên thường gọi là 7 bài Hạ, giọng nhạc bực tức, hùng hồn. Nhạc sĩ đờn 7 bài này quay mặt về hướng Ðông. 

Xàng Xê, là bài thông dụng nhất của nhạc tài tử. Bài này có tính chất trang nghiêm, uy nghi nhưng không căng cứng, giai điệu rất du dương, ngân nga, dịu dàng. Đặc biệt có sự xen lẫn hai thang âm trong cùng lớp tạo cho người nghe cảm giác rất thú vị.

Ngũ Đối Thượng, với nhịp độ vừa phải, được thể hiện với một phong cách đĩnh đạc, mang đậm sắc “hạ”.

Ngũ Đối Hạ, được sử dụng nhiều nhất trong những buổi trình tấu nhạc lễ và sân khấu hát bội, còn gọi tắt là Bài Hạ. nghiêm trang, uy nghi là tính chất chung của 7 bài Lễ mà Ngũ Đối Hạ là một đại diện.

Long Đăng, với tiết tấu vừa phải, tính chất khoan thai, có chút u buồn, bài này không thể hiện rõ nét trang nghiêm như thường thấy trong nhạc lễ.

Long Ngâm cũng không thể hiện rõ tính trang nghiêm của nhạc lễ mà lại nhẹ nhàng, khoan thai, mang nhiều chất tự sự. Ít dùng trên sân khấu cải lương.

Vạn Giá mang tính trang nghiêm. Tuy đã được thay đổi để mang phong cách tài tử, nhưng sự đĩnh đạc của nhạc lễ vẫn còn thể hiện rất rõ.

Tiểu Khúc, có số câu ngắn nhất trong bảy bài lễ – 29 câu, nhưng có định luật. Nhịp độ chậm rãi, tính chất trang nghiêm của nhạc lễ được thể hiện rất rõ trong bài này.

3. Ba bài Nam:

Xếp vào mùa Thu, giọng nhạc trầm buồn ai oán. Nhạc sĩ đờn 3 bài này thì quay mặt về hướng Nam.
Mỗi bài Nam mang một âm điệu khác nhau, bộ ba bài nam được xem là một tuyệt tác trong đờn ca tài tử và được sử dụng rất phổ biến. Ba bài Nam này có đến 4 giọng đờn khác nhau theo 4 mùa ( Xuân, Hạ, Thu, Ðông).

Nam Xuân, khác với tính chất nhanh vui của những bài bắc, trang nghiêm của những bài lễ, bằng nhịp độ vừa phải, có phần chậm rãi, bài Nam xuân mang tính chất thư thái, nhẹ nhàng, "tiên phong đạo cốt".

Nam Ai: buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có cấu trúc tương tự như bài Nam Xuân nhưng dài hơn hai lớp, Lớp 7 và 8 (hai lớp Mái) là thường dùng nhất.

Nam Đảo (hay Đảo Ngũ Cung), được xây dựng trên hai hơi Xuân và Bắc. Đảo Ngũ Cung có sự chuyển điệu thức liên tục xoay quanh 5 âm của điệu gốc. Hai câu cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là Song Cước. Tính chất của Đảo Ngũ Cung nhộn nhịp, sinh động, mà cũng tôn nghiêm, hùng tráng.

4. Bốn bài Oán:

Xếp vào mùa Ðông. Nhạc sĩ đờn 4 bài này thì quay mặt về hướng Tây. Hơi oán diễn tả cái buồn nội tại đối với cuộc sống, còn hơi ai diễn tả sự buồn mang tính chất bi thương như trong nhạc lễ, những vấn đề về tang tế.

Tứ Đại Oán: Từ những ngày đầu của nghệ thuật sân khấu cải lương, Tứ Đại Oán đã được xem như một trong những bài bản trụ cột trong hệ thống bài bản cải lương, khi mà bài vọng cổ chưa được hình thành. Tính chất bài này thì buồn thảm lại thất vọng, bi thiết, oán hờn.

Phụng Hoàng Lai Nghi (Phụng Hoàng Cầu hay Phụng Hoàng), có tốc độ chậm, tính chất âm nhạc não nề, buồn thảm.

Giang Nam (hay Giang Nam Cửu Khúc), được sử dụng nhiều trong nhạc tài tử và cải lương. Trầm hơn Tứ Đại Oán, có tốc độ chậm rãi và buồn thảm. Bài được viết theo nhịp 8 hay nhịp tư lơi, có 4 lớp và 58 câu. 

Phụng Cầu Hoàng Duyên (hay Phụng Cầu), mang tính chất u buồn, nhưng tốc độ của bài nhanh hơn 3 bài oán trước.

4 bài Oán phụ:

Văn Thiên Tường: trần thuật, thổ lộ tâm tình, buồn ảo não Có nhiều mức độ, khi buồn vừa vừa thì dùng lớp 1, khi buồn nhiều thì dùng lớp 2 (lớp Oán). Lớp Xế Xảng thật ngắn thường dùng để gối đầu vào Vọng Cổ.
Bình Sa Lạc Nhạn: hơi ngang và dựng.
Thanh Dạ Đề Quyên: cao hơn Bình Sa Lạc Nhạn.
Xuân Nữ: ngắn, có tính bi thiết, thường dùng trong cảnh bi ai, đau thương đột xuất.

Mỗi bài Oán có sắc thái riêng biệt, nhưng khác biệt rõ nhất là giữa hai bài Tứ Đại Oán và Văn Thiên Tường. Các bài Oán khác đều có những nét giống với bài Tứ Đại Oán hoặc Văn Thiên Tường. Hai bài này là tiêu biểu cho loại Oán và được dùng rất nhiều trong cải lương.

Qua thống kê, có thể thấy rõ sự phong phú, đa dạng trong hệ thống bài bản tài tử – cải lương. Đây chính là cơ sở cho sự bảo lưu những giá trị tinh túy trong âm nhạc tài tử – cải lương, là tiền đề cho quá trình bảo tồn với sự thay đổi thích hợp để tiếp tục phát triển.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow