Phụng Hoàng - Bài bản kinh điển trong cải lương

Nhạc Tài tử cũng có bản Phụng Hoàng, Cải lương cũng có Phụng Hoàng, vậy 2 bản này có giống nhau hay không?

Phụng Hoàng - Bài bản kinh điển trong cải lương

Phụng Hoàng Cải Lương và Phụng Hoàng Tài Tử

Do quá trình hình thành, trôi dạt tứ phương, nên nhiều bài bản chưa có 1 lồng bản thống nhất. Trong đó, riêng Phụng Hoàng Tài Tử cũng đã có ít nhất 3 dị bản hiện đang được sử dụng. Có nghĩa là tùy theo địa phương, cũng là 1 bản Phụng Hoàng, những giai điệu trong lòng bản có thể rất khác nhau. Mà lòng bản khác thì lời ca cũng khác nhau một thể. Đó là bản Phụng Hoàng Tài Tử.

Ngoài ra, thường nghe nhất chính là Phụng Hoàng Cải Lương. Sở dĩ gọi như vậy là do bản này thường được sử dụng trên sân khấu hoặc thu âm vào băng dĩa. Đó là Phụng Hoàng đờn theo phong cách (theo rơ) cải lương, tức là từ nhịp tư lơi đến nhịp 8 thúc.

Thế nhưng Phụng Hoàng cũng chỉ có một bản duy nhất mà thôi! Phụng Hoàng trong cải lương mà chúng ta thường được nghe thường lấy lớp 1 (gồm 12 câu) của Phụng Hoàng Tài Tử ở Miền tây và được phát triển thành Phụng Hoàng Cải Lương như bây giờ. Còn bản Phụng Hoàng ở miền Đông được đờn hơi khác, tức là sửa các câu dứt LIU thành đứt ngoại (dứt 7 nhịp, nhồi lại nhịp thứ 8 để người ca luyến láy đưa hơi), kéo giãn nhịp ra thành nhịp 8 hoãn điệu, thường dùng nhiều trong giới tài tử nên gọi là Phụng Hoàng Tài Tử

Trong suốt quá trình phát triển của nghệ thuật cải lương, hầu như bài bản nào cũng bị sửa đổi tùy theo thầy đờn (môn phái). Bản vọng cổ cũng không ngoại lệ. Ngay cả bản Nam Ai, hầu hết người ta đờn 67 câu, nhưng có nơi đờn 83 câu, thậm chí có nơi đờn đến 104 câu. Ví dụ như bản Phụng Hoàng Lai Nghi (hay Phụng Hoàng Cầu) thật ra cũng là bản Phụng Hoàng nhưng được đờn nhịp 8 hoãn điệu, nên giới tài tử đặt tên khác để phân biệt.

Tóm lại, ngày xưa chỉ có một bản Phụng Hoàng, đờn nhanh là cải lương, đờn chậm là tài tử.

Tính chất bản Phụng hoàng

Phụng Hoàng Cải Lương chỉ duy nhất có 1 lớp gồm 12 câu (lớp đầu). Để phân biệt với bản Phụng Hoàng Tài Tử thường có 48 câu, các nghệ nhân, nghệ sĩ gọi bản Phụng Hoàng 12 câu trong lớp đầu là “Phụng Hoàng Cải Lương”.

Phụng Hoàng là một trong những bài oán của Cải lương, do đó nghe Phụng Hoàng như thể được nghe lời tự sự, nỉ non của nhân vật. Giọng điệu trầm buồn nhưng cảm giác hơi “nhẹ hơn” so với Tứ Đại Oán, cũng như các bài Oán khác. Chất thất vọng, oán hờn trong bài bản này thường được sử dụng khi nhân vật trần thuật tâm trạng của bản thân, khắc họa nỗi niềm u uất của vai diễn. Có thể nói, đây là thể điệu dễ lấy nước mắt của người nghe nhất trong cải lương. Phụng Hoàng Cải Lương cũng thường dùng trong bài vọng cổ trước khi vô vọng cổ câu 1 hay câu 5. Cũng mang tính chất là lời tâm sự trầm buồn của nhân vật trong bài tân cổ đó.

Điểm qua các bài Phụng Hoàng mà hầu như ai cũng biết

Phụng hoàng trong Nửa đời hương phấn

Đây là lời ca kinh điển của bản Phụng Hoàng mà hầu như khi thầy đờn nói: "hát Phụng Hoàng đi em", là những lời ca này được cất lên:

[The]
Dầu biết em có thành hôn với dượng Ba đây, à mà dầu biết em có thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng ráng về với… em. Để mừng ngày em xuất giá, cho vui lòng ba má. Chị được nở mặt mày với lối xóm bà con. Còn dượng Ba đây, Là một thanh niên có học thức lại đàng hoàng. Chị vô cùng sung sướng. Thấy em có một người chồng đúng như lòng chị ước mong.

[Tùng]
Chị hai ơi, Chị nói chi câu ấy cho đau lòng. Ai kia cũng đau khổ muôn phần. Chớ nào phải đâu người ta phụ bạc. Tại số trời biết nói sao hơn.

[Diệu]
Anh nói chuyện ai mà em đây không hiểu được. Anh hãy nói rõ ngọn ngành. Kẻo mà em khỏi thắc mắc với mình.

[Tùng]
Em Diệu…

[The]
Đừng. Nếu thương người. Thì xin dượng đừng nói ra, mà tội nghiệp cho em của người ta. Thà chịu khổ một mình chứ đừng để sầu cho em.

[Tùng]
Đau đớn thay. Khi gọi em mà gọi chẳng nên lời. Diệu ơi em hãy nghe đây là sự thật. Sự thật chị hai đây là…

[The][cướp lời]
Chị đây là - chị ruột của em.


Khi The (Hương) biết Tùng sẽ cưới Diệu, em gái của mình làm vợ, Hương không thể nói sự thật đó cho Diệu biết rằng Tùng chính là người yêu của mình. Còn đau đớn nào hơn khi nỗi lòng tan nát mà phải bật ra câu… Chúc Mừng! . Chính nỗi khổ tâm, ấp a ấp úng của Hương khi nói chuyện với Diệu trước mặt Tùng đã khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn và bản Phụng Hoàng trong lớp diễn này trở nên bất hủ khiến cho nhiều chục năm sau, các nghệ sĩ ngày nay vẫn thường ca bản Phụng Hoàng này.

Phụng hoàng của Đời Cô Lựu

[Lựu]
Kim Anh ơi dĩ vãng....đau thương…Má ngỡ đã trôi xuôi như dòng nước chảy. Chớ có ngờ đâu là chuyện ấy. Vẫn như lớp than hồng âm ĩ cháy dưới tàn tro. Thảm cảnh trớ trêu
Má thầm gọi cố nhân ơi cho tròn nghĩa trọn tình. Con đò xưa tách rời bến cũ. Sao bến cũ ân tình còn lưu luyến đò xưa.

[Kim Anh]
Ai đã viết thơ, Kể chuyện bâng quơ làm cho má rối lòng. Tại sao má sửng sốt gọi đó là chồng? Má hãy an tâm chớ sợ lời hăm dọa. Con nguyện đương đầu với kẻ bất lương.

[Lựu]
Chẳng phải đâu con chuyện trong thơ chính là sự thật. Bấy lâu nay má chưa tiện nói vì sợ buồn.

[Kim Anh]: Nhưng hôm nay con đã lớn khôn rồi.

[Lựu]
Má có một đời chồng, trước khi về ăn ở với ba con.

[Kim Anh]
Ôi người mẹ hiền thuần hiền lương. Giữa đường gãy gánh tơ lòng vấn vương.

[Lựu] 
Người kết hôn, thuở má còn son tên thật là Võ Minh Thành. Chịu án oan lưu đày côn Đảo, Má lỗi đạo vợ chồng rẽ lối sang ngang.

Trần thuật lại câu chuyện quá khứ đau thương của Lựu cho con gái mình nghe, nỗi chua chát của một người vợ, người mẹ như càng tăng thêm khi được gắn liền vào bản Phụng Hoàng.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow