Dạ Khúc hay Tương Tư Dạ Khúc?

Nếu nói về bài bản thì bản Dạ Khúc hay bản Tương Tư Dạ Khúc là một.

Dạ Khúc hay Tương Tư Dạ Khúc?

Dạ Khúc và Tương Tư Dạ Khúc là một hay hai?

Đây là một bài bản cải lương rất hay, được viết lời ca phổ biến vài năm gần đây trong nhiều bài vọng cổ mới. Bản Dạ Khúc mang một nỗi buồn man mác, da diết nhớ thương. Lời ca bài Dạ Khúc thường là lời tự sự, trần tình về nỗi buồn, nỗi thống khổ của nhân vật.

Bản (Tương Tư Dạ Khúc) này không phải là bản nhạc cổ truyền từ xa xưa, mà được sáng tác sau này (sau cả hai bản Phi Vân Điệp KhúcĐoản Khúc Lam Giang). Nguyên thủy bản này có tên là Dạ Khúc, viết cho đàn guitar phím lõm. Về sau người ta nghe nghệ sĩ Đỗ Quyên ca bản Trường Tương Tư có tựa đề là Tương Tư Dạ Khúc nên người ta gán cho bản Dạ Khúc này cái tên là Tương Tư Dạ Khúc. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn gọi theo tên khởi điểm của nó là Dạ Khúc. Cũng có một bản vọng cổ tên Tương Tư Dạ Khúc có sự xuất hiện của thể điệu này. Do đó, nếu nói về bài bản thì bản Dạ Khúc hay bản Tương Tư Dạ Khúc là một. Nhưng nếu nói về bài vọng cổ thì Dạ Khúc là một thể điệu (bài bản) trong cải lương, còn Tương Tư Dạ Khúc là một bài vọng cổ do soạn giả Anh Kiệt sáng tác.

Bản đờn cho guitar và đờn kìm

DẠ KHÚC (TƯƠNG TƯ DẠ KHÚC)
1. (-) (LIU),
2. Ú liu (PHAN), ú liu (PHAN)
3. Liu phan (XỀ) xế (XANG)
4. Xế hò xang (XÊ) xê líu cống xê (XANG)
5. Xế hò xang (XÊ) xê cống xê xang (XÊ)
6. Xư (HÒ) xừ xang (XẾ)
7. Xề (XẾ) xang xư (HÒ)
8. Hò (XỰ) xang (XÊ)
9. Líu phán (CÔNG) xê xang xư (HÒ)
10. Liu phan xề phan (LIU), (LIU),
11. Ú liu (PHAN), ú liu (PHAN)
12. Liu phan (XỀ) xế (XANG)
13. Xế hò xang (XÊ) xê líu cống xê (XANG)
14. Xế hò xang (XÊ) xê cống xê xàng (XÊ)
15. Líu phan (LÍU) phan líu (PHAN)
16. Líu xự xang (XỰ), (LIU)
17. Phan (LÍU) xự xang (XỰ)
18. (HÒ) xàng xề (LIU)
19. Liu (XỀ) liu xàng xừ (LIU)
20. Liu (-) liu xề (-)
21. Xề xáng (U) liu phan (-)
22. Liu (XỀ) xừ (LIU)
23. Liu phan (XỀ) liu xàng xừ (LIU).

Ghi chú: Nguyên thủy bản DẠ KHÚC được viết cho đàn guitar (phím lõm). Khi chuyển qua đờn kìm phải sửa một vài chỗ cho thuận tay và thuận phím trên cần đờn, như sau:
19. Liu (XỀ) liu xàng xề (LIU)
20. Liu (-) liu xề (-)
21. Xề xề xáng (U) liu phạn (-)
22. Liu (XÀNG) xề (LIU)
23. La liu phan (XỀ) liu xàng xề (LIU).

Dạ Khúc xuất hiện trong phim “Sáng đèn”

Sáng đèn - Một bộ phim về cải lương ra rạp gần đây cũng có sử dụng bản Dạ Khúc. Lời ca vô cùng nhân văn, thể hiện tiếng lòng của người nghệ sĩ như kiếp tằm nhả tơ và lời cảm ơn sâu sắc với khán giả mộ điệu với tình yêu thương cải lương. Chỉ với tiếng đờn kìm, kết hợp với lời ca của các nghệ sĩ cũng có thể thấy vô cùng tự hào và cảm động trước những lời ca dạt dào cảm xúc

Đây, tiếng ca, tiếng đàn. Tiếng tơ gửi người tri âm, sáng lung linh, ánh đèn đêm đêm. Đáp lòng thương mến, trọn trao tim mình. Đời thêm ý sống, với bao nhiêu thiết tha ân tình. 

Xin, khắc ghi, biết ơn, tấm lòng. Để cho bước đường phong sương, ấm trong tim nghĩa tình thân thương. Tấm thân, trót mang kiếp tầm theo nghề, tiếng tơ như tiếng lòng chân thành. Là đời nghệ sĩ, thăng trầm bao buồn vui. Nhưng nghề, vẫn trong tim, như tầm mang nguồn tơ, thác rồi vẫn còn vương.”

Dạ Khúc trong bài vọng cổ Tương Tư Dạ Khúc

Như đã đề cập ở trên, có thể nói bài Vọng cổ Tương Tư Dạ Khúc của soạn giả Anh Kiệt đã đưa bản Dạ Khúc đến gần hơn với khán giả của nghệ thuật cải lương. Đây là lời tự sự của một người chinh phụ mong nhớ đến chồng khi chàng đang biền biệt ngoài chiến trận. Mang niềm thương nhớ, lời trái tim nghẹn ngào về nơi xa đó, sưởi cho ai ấm đếm xa trường. Và tin vào một ngày mai, khi tàn cơn binh lửa, một sớm mai xuân chàng sẽ quay về.

Đêm, trắng đêm, đối gương, nhớ người. Bóng ai đứng ngoài hiên vắng, phải chăng anh bao ngày xa vắng. Nghe lòng cay đắng, hình bóng ai nhạt nhòa, chìm trong sương trắng, đã xua tan giấc mơ tương phùng.

Đêm, tiễn đưa, nắm tay, ước thề. Dẫu bao thăng trầm dâu biển, vẫn bên nhau không gì chia cách. Chốn xa ấy, ai nhớ chăng tình mặn nồng, phút hương lửa mình bên mình. Rượu nồng còn say, thâm tình ta hòa vần thơ. Đêm thu tàn, nhìn ánh trăng soi lạnh. Mơ người tình chung, thương ai còn nơi miền trời xa.

Nâng, phím tơ, thốt lên, tiếng lòng. Gởi ai tâm tình em đó, khúc tương tư xin nhờ mây gió. Mang niềm thương nhớ, lời trái tim nghẹn ngào, về nơi xa đó, sưởi cho ai ấm đêm sa trường.

Nơi, cố hương, có em, ngóng chờ. Đã qua bao ngày thương nhớ, khúc tương tư không còn dang dở. Nắng xuân ấm, mai thắm tươi vàng rợp trời, bến xưa đón chàng quay về. Bụi hồng còn vương, chiến bào pha màu thời gian, bên quân kỳ, nhìn dáng ai trên ngựa, trong đoàn hùng binh, sao trong lòng em tràn niềm thương?

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow