Cải lương Hồ Quảng - Nghệ thuật kết tinh từ nghệ thuật
Bạn có biết một bộ môn nghệ thuật được kết tinh từ nhiều bộ môn nghệ thuật trong và ngoài nước, nhưng lại mang đậm bản sắc nghệ thuật Việt Nam không? Đó chính là Cải lương Hồ Quảng.
“Cái tên nói lên tất cả”, theo nghệ sĩ Phượng Mai, “Hồ” là biến âm của “Hò”, nghĩa là lời ca tiếng hát, còn “Quảng” nghĩa là Quảng Đông. Vậy cải lương Hồ quảng cũng là cải lương, là những điệu hát có nguồn gốc ở Quảng Đông - Trung Quốc, tuồng tích cũng dựa vào những điển tích cổ của Trung Quốc.
Không phải tuồng cải lương ”cổ trang” nào cũng là cải lương Hồ Quảng. Những tuồng như Áo cưới trước cổng chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn… hay thậm chí là Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga đều không phải là cải lương Hồ Quảng. Cùng là Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, nhưng nếu xem tuồng của NS Minh Vương, Thanh Kim Huệ thì sẽ hoàn toàn khác với tuồng cải lương Hồ Quảng của NS Vũ Linh, Tài Linh.
Vì thế, cải lương nên chia thành 3 nhánh: cải lương xã hội, cải lương tuồng cổ (giả sử) và cải lương Hồ Quảng.
Những bước ngoặt lịch sử của Cải lương Hồ Quảng
Chính xác hơn, cải lương Hồ Quảng chính là sự phối hợp giữa ba loại hình nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông. Cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950, những nghệ sĩ Phùng Há, Cao Long Ngà (bà ngoại của NS Phượng Mai), Năm Phỉ (chị NS Bảy Nam) có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống ở nơi đây. Các nghệ sĩ này khi về nước, đã đem “vũ đạo” áp dụng trên sân khấu và đạt được nhiều thành công.
Giữa thập niên 1950 sang đầu thập niên 1960, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh và Minh Tơ lần mò vào Chợ Lớn, tìm đến những gánh hát người Hoa, mua lại một số trang phục sân khấu của họ. Những trang phục này rất rực rỡ, khi mặc lên sân khấu thì đào, kép vô cùng nổi bật, làm cho sân khấu cũng rực rỡ theo. Những nghệ sĩ này cũng học hỏi từ các gánh hát người Hoa nhịp điệu trống, bắt nguồn từ cách diễn tuồng của phái Bắc Kinh. Tiếng trống rộn rã giúp cho buổi trình diễn thêm tưng bừng náo nhiệt. Tiếng trống còn có tác dụng thay đổi tâm tình khách xem trình diễn, tùy theo nhịp điệu nhanh, chậm, cách ngắt quãng. Một số cách hát theo điệu Quảng Ðông cũng được học về áp dụng.
Trở về sân khấu, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh, Minh Tơ đã pha điệu hát Hồ Quảng vào các tuồng cải lương. Về sau, khi khán giả có vẻ chấp nhận, cải lương Hồ Quảng trở thành một bộ môn riêng, với nhịp trống, điệu bộ, vũ đạo, điệu hát và y trang Bắc Kinh, Quảng Ðông, phối hợp với cách hát cải lương và ca vọng cổ.
Những năm đầu thập niên 1960, phim Đài Loan du ngập thị trường phim Việt Nam, khởi đầu là phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, một thiên tình sử đẫm nước mắt đã gây nên một cơn địa chấn khi không ai là không biết tới. Nhạc sĩ Đức Phú (em của nghệ sĩ Minh Tơ), đoàn hát Vĩnh Xuân Bầu Thắng đã lấy âm điệu nhạc Đài Loan trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, viết lời Việt, dùng trong tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài do anh sáng tác và thủ diễn vai chánh, hát với nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng với vai Chúc Anh Đài. Tuồng Lương Sơn Bá có âm điệu nhạc Đài Loan “bắt trend” từ phim nhanh chóng thu hút khán giả với một con số kỷ lục thời bấy giờ. Đoàn hát Thanh Bình – Kim Mai 1 (sau là đoàn Huỳnh Long) có hai nhạc sĩ Tàu là Há Thầu và chú Long cũng ghi âm nhạc Đài Loan dùng trong tuồng hát cho đoàn. Há Thầu đặt tên các bài nhạc đó là Hoàng Mai 5, Hoàng Mai 15, Ly Hận, Chiêu Quân Hội…
Từ đây, các đoàn hát cải lương Hồ Quảng thu hút khán giả đến nghẹt rạp, các hãng dĩa cũng thu thanh và phát hành dĩa hát Hồ Quảng, đài truyền hình Saigon cũng có những Ban hát Hồ Quảng như Ban Khánh Hồng, Ban Minh Tơ, Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, tất cả tạo thành một phong trào hát cải lương Hồ Quảng ngày một phát triển và được khán giả vô cùng ưa thích.
Cải lương Hồ Quảng có nhiều ưu thế trên sân khấu. Về y trang rực rỡ và cách diễn bằng “biểu tượng” thì không thua gì hát bội, nhưng hát bội lại khó nghe, khó hiểu, trong khi đào kép trong cải lương Hồ Quảng thì nói ít, diễn nhiều, khi hát thì hát theo lối vọng cổ và một số làn điệu của cải lương rất dễ nghe, có hát theo điệu Quảng Ðông thì điệu ấy nghe cũng lọt tai. Ðặc biệt, cải lương Hồ Quảng lại có “vũ đạo,” tức là cách đưa tay, đá chân theo nhịp điệu như múa, mà là múa võ, nên gây hào hứng trên sân khấu.
Cải lương Hồ Quảng vẫn mang đậm bản sắc Việt!
Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong văn hóa, nghệ thuật… là điều không cần phải bàn cải. Tuy nhiên, khi các truyện, tích của Trung Quốc được các văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ Việt Nam thuật lại hay diễn lại, thì khán giả sẽ thấy được cái hay, cái đẹp, cái tuyệt diệu của ngôn ngữ, ý tưởng, tâm tình mang đậm sắc Việt Nam. Nguyễn Du dùng thơ Nôm kể chuyện đời một cô tên Vương Thúy Kiều ở Trung Quốc, mà người đọc luôn luôn có cảm giác cô là người Việt Nam. Khi nghệ sĩ Việt Nam diễn các tuồng cải lương Hồ Quảng từ điển tích Trung Quốc thì khán giả cũng có cùng cảm nhận như vậy.
Tóm lại, Cải lương Hồ Quảng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam có nguồn gốc khác phức tạp: cải lương, hát bội, sân khấu Bắc Kinh, sân khấu Quảng Ðông, nhạc Việt Nam truyền thống, nhạc Ðài Loan, võ thuật Bắc Phái… Tuy nhiên, qua cách trình diễn của các nghệ sĩ, tất cả các loại hình nghệ thuật này phối hợp một cách nhuần nhuyễn với nhau, tạo nên một sắc thái riêng. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng là sẽ nhìn thấy ngay là nó “rất Việt Nam”, không lẫn lộn với ca kịch Trung Hoa được. Ðó chính là cái tài của người nghệ sĩ, cũng là cái đặc thù trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đón nhận cái của người, để rồi biến hóa, thăng tiến để hay hơn, đẹp hơn mà lại mang cái hồn của nghệ thuật nước nhà.
Phản ứng của bạn là gì?