Thanh Kim Huệ - Dấu ấn một tài nữ

Nhắc đến nhân vật "Lan" trong Chuyện tình Lan và Điệp, chắc chắn người mộ điệu sẽ nghĩ ngay đến Cố NSƯT Thanh Kim Huệ. Một trong những cô đào tài sắc nổi tiếng bậc nhất sân khấu cải lương từ trước 1975.

Thanh Kim Huệ - Dấu ấn một tài nữ

Cuộc đời của một “tài nữ”

Cố NSƯT Thanh Kim Huệ bắt đầu lên sân khấu từ khi mới 8 tuổi. Đến năm 13 tuổi, bà gia nhập đoàn Kim Chung, một đại bang lớn có đến 7 đoàn hát. Tại đây bà được gặp gỡ và đứng chung một sân khấu với 2 nghệ sĩ Lệ Thủy và Mỹ Châu, những thần tượng của bà. Nhờ vai diễn “Lan” với số phận đầy đau khổ trong vở Chuyện tình Lan và Điệp, tên tuổi của bà vụt sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật, năm đó bà mới 14 tuổi. 

Sau đó, bà xuất hiện trong hàng loạt vai diễn và bài tân cổ giao duyên mang đậm phong cách ca diễn độc lạ của Thanh Kim Huệ mà đến nay vẫn chưa có ai thay thế được. Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật Cải lương của nước nhà.

Nàng “Lan” bạc mệnh

Cuối những năm 1960, kịch bản cải lương Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo và Thế Châu đã được thu thanh và trở thành bản chuẩn mực nhất đến thời điểm hiện tại. Ban đầu, NSND Lệ Thủy mới là người được chọn vào vai nàng Lan. Nhưng sau đó, soạn giả đổi ý vì muốn tìm một gương mặt mới lạ, với giọng hát “thơ ngây”, e ấp hơn khi đã yêu của nàng Lan. Người được chọn chính là cô bé Bùi Thị Huệ, khi ấy chỉ mới 14 tuổi.

Đây chính là bước đệm định mệnh cho cuộc đời làm nghệ thuật của bà. Bởi vì từ vai diễn này, tên tuổi của bà vụt sáng thành ngôi sao, đứng ngang hàng với những bậc đàn chị trong nghề mà bà từng rất hâm mộ. Phải nói chất giọng của bà khi ấy vô cùng phù hợp với vai Lan, lúc e ấp, nũng nịu, dỗi hờn nhưng mộc mạc trong tình yêu. Lúc lại chất chứa chua xót, tủi hờn khi người mình yêu sắp đi lấy vợ, phản bội lại lời thề ước. Trong lớp diễn cuối, trước khi Lan sắp từ giã cõi trần, Thanh Kim Huệ đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của khán giả nhiều thế hệ khi xuống vọng cổ: "Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió. Như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim sầu... Mái tranh xưa chắc u buồn quạnh quẽ. Vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ". Lối hát của bà lúc này không còn nức nở, nghẹn ngào mà thản nhiên, nuốt nỗi đau vào trong, như cách Lan sắp từ giã cõi trần mà tơ lòng chưa dứt.

Đào lẳng “Thị Hến”

Lần đầu tiên bà hóa thân thành một cô Đào lẳng, cũng đã nhận được nhiều sự yêu mến từ người mộ điệu. Thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vượt qua cái bóng những vai Đào thương, Thanh Kim Huệ đã biến hóa tài tình thành một cô Đào lẳng “Thị Hến” độc đáo trong tuồng Ngao, Sò, Ốc, Hến của đoàn cải lương Sài Gòn 1.

Không phải tự nhiên mà khi đi diễn tỉnh, thay vì gọi nghệ danh Thanh Kim Huệ, người ta đã gọi bà là Thị Hến. Mà là do khi hóa thân thành Thị Hến bà đã bộc lộ một cách vô cùng chân thật sự chua ngoa, điệu bộ lẳng lơ, quẩy tay, đánh hông của Thị Hến, mà đến nay rất ít người bắt chước được. Trước khi nhận vai, Thanh Kim Huệ đã nghiên cứu rất kỹ về tích cổ này, đồng thời bà đã tự sáng tạo, cho Thị Hến trở thành một nhân vật có nét khác biệt, độc đáo hơn nhiều so với nguyên tác. Trong màn lả lơi khi quan huyện xử án, Thanh Kim Huệ đã phô diễn làn hơi dài ngun ngút, đầy nội lực, từng cách bỏ nhỏ, vuốt câu, nhả chữ, luyến láy đã chiếm trọn được tình yêu thương trong lòng khán giả.

Câu vọng cổ hơi dài: “Huyện quan ơi thân gái giá chồng phòng không chiếc bóng sớm tối quạnh hiu chẳng có ai bầu bạn em thao thức từng canh lệ sầu khắc khoải nghe tiếng chim khuya kêu buồn trong đêm vắng tủi phận cô đơn không người đoái tưởng mà bị vu quan chứa chấp đồ gian bởi người ám hại em phải làm sao nhờ quan đoái thương... tình”...  Một dấu ấn rất riêng mang tên Thanh Kim Huệ.

Nàng “Chúc Anh Đài” ấn tượng

Đây là một trong những bản thu thanh đầu tiên của vở tuồng kinh điển này. Và lẽ dĩ nhiên cặp đôi "Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài", Minh Vương - Thanh Kim Huệ cũng trở nên kinh điển. Được thu âm khi còn trẻ, nên cũng giống như nàng “Lan” bạc mệnh, nàng “Chúc Anh Đài” do bà hóa thân cũng biến hóa uyển chuyển theo cuộc đời của nhân vật. Lúc ở nhà là một tiểu thư đài cát, lúc thì nũng nịu, lúc lại đoan trang, hiền dịu. Khi giả trai đi du học xa nhà, bà lại cho nàng “Chúc Anh Đài” nghiêm nghị, ra dáng thư sinh nhưng cũng day dứt, e lệ vì khó bày tỏ một tình yêu thầm kín. Đến cuối cùng lại đau đớn, tuyệt vọng, nghẹn ngào khi người yêu vì mình mà đau khổ đến mức phải rời xa trần thế. Nàng “Chúc Anh Đài” của bà là một vai diễn ấn tượng, khiến người nghe không khỏi cảm xúc theo từng giai đoạn cuộc đời của nhân vật. Giọng bà sáng lại vang, lột tả được một cách sâu sắc nội tâm dằn xé của nàng “Chúc Anh Đài”.

Tiếng kêu xé lòng: “Lương huynh, bớ Lương huynh, những tưởng sanh ly ai lại ngờ đâu tử biệt, mới thấy đó mà ngàn thu vĩnh quyết, bớ lương huynh chậm bước đợi Anh… Đài…” và lớp Văn Thiên Tường “ Ôi hỡi Lương… huynh, mảnh khăn hồng, còn thấm máu tươi. Tình dang dở, mà người đã xui tay. Ôi trời già lá lay, duyên trăm năm đã lỡ, tình một thuở ngậm ngùi…” là những lời ca ngập tràn đau đớn được thể hiện thành công bởi một Thanh Kim Huệ đã ghi dấu ấn sâu sắc vào lòng khán giả.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow