"Tắt lửa lòng" với Chuyện tình Lan và Điệp

“Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…”

"Tắt lửa lòng" với Chuyện tình Lan và Điệp

Về “Tắt lửa lòng”

Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đến với công chúng từ năm 1933 và được đón nhận nồng nhiệt. Tiểu thuyết "Tắt lửa lòng" bao gồm 19 chương kể về cuộc tình lãng mạn của "hoa" và "bướm", nhưng định mệnh trớ trêu, cuộc tình trải qua nhiều nước mắt. Đến cuối cùng những người yêu nhau vì một hoàn cảnh, số phận nào đó mà không đến được với nhau.

Tiểu thuyết kể một một chuyện tình bi ai của Điệp - một anh học trò nghèo với người bạn gái “thanh mai trúc mã” tên Lan, truyện lấy bối cảnh làng Văn Ngoại thuộc tỉnh Hải Dương xưa. Khi ấy, tác giả đang làm thầy giáo tại đây. Một thiên tình sử đẫm nước mắt của đôi trẻ bắt đầu khi cha mẹ hứa hôn với nhau khi cả 2 còn rất bé. Đến khi Điệp sắp thi đậu bằng Thành Chung, làm rạng danh tông tổ thì bị gia đình Quan Phủ lừa ép hôn với Thúy Liễu - một cô tiểu thư trắc nết đã có chửa hoang. Sau đó, ngày Điệp lấy vợ cũng là ngày Lan cắt tóc quy y. Nhưng Lan không biết rằng Điệp và Thúy Liễu đã chia tay chỉ sau vài tháng tổ chức hôn lễ. Lan mang một mối hận lòng, nên khi Điệp tìm đến chùa đã cắt đứt dây chuông và nhất quyết từ chối gặp mặt Điệp. Điệp trở thành bác sĩ và giúp đỡ lại chính những người đã gây ra sự đau khổ cho anh. Một ngày nọ, Điệp nhận được một bệnh nhân sắp chết và bàn hoàng nhận ra đó chính là Lan.

lan và điệp-1

Chuyển thể của “Tắt lửa lòng”

Tác phẩm đã được chuyển thể sang nhiều lĩnh vực, và đều được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Có cả sân khấu bao gồm kịch và cải lương, Phim trắng đen lẫn phim màu. Cùng nhiều nhạc phẩm tân nhạc và các bài vọng cổ. Trong đó, vở cải lương Lan và Điệp được biên kịch và chuyển thể của soạn giả Trần Hữu Trang vào năm 1936, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả tiểu thuyết, trở thành huyền thoại của làng cải lương Việt Nam.

Cải lương: Lan và Điệp ra đời năm 1936 giúp nhiều nghệ sĩ thành danh thời bấy giờ như Nghệ sĩ Năm Phỉ, nghệ sĩ Thanh Nga đều qua vai Lan. Đến năm 1948, vở cải lương này được thu âm với tên gọi “Hoa rơi cửa Phật” với sự tham gia của nhiều danh ca như Nghệ sĩ Tư Sạng, Năm Nghĩa, Tám Thưa, Hồng Châu. Những đĩa nhạc này nhanh chóng phổ biến không chỉ trong nước mà còn lan sang Campuchia và Lào, đến mức người ta chỉ còn nhớ Chuyện tình Lan và Điệp mà quên mất nguyên tác (Tắt lửa lòng). Năm 1970, kịch bản cải lương Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo và Thế Châu đã được thu thanh và trở thành bản chuẩn mực nhất đến thời điểm hiện tại. Sẽ khó có thể quên được cô Lan do cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ thủ vai và anh Điệp của nghệ sĩ Chí Tâm. Bên cạnh đó, vở cải lương này với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ mà hiện tại khó thể thay thế được như nghệ sĩ Tú Trinh vai Thúy Liễu, Nghệ sĩ Hữu Phước vai ông Tú - ba của Lan… Sau này, rất nhiều vở Lan và Điệp được trình diễn với những nghệ sĩ khác nhau, và hầu như tất cả đều nhận được sự đón nhận của khán giả. 

lan và điệp-2

Kịch: Khi phong trào kịch nói trở nên lớn mạnh vào những năm 1970, Lan và Điệp cũng được chuyển thể thành vở kịch nói với vai Lan do nghệ sĩ Kim Cương thủ vai. Vở kịch này cũng nhanh chóng thu hút khán giả không kém gì so với cải lương và được phát đi phát lại trên truyền hình.

Phim: Bộ phim trắng đen “Tình Lan và Điệp” khởi quay năm 1972 với độ dài 1h30p với nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ cũng rất thành công, nhờ sức hút từ các thể loại trước đó. Cuối thập niên 80, bộ phim màu về Lan và Điệp được khởi chiếu cũng được phát trên truyền trong một thời gian dài.

Âm nhạc: bên cạnh các vở cải lương thì bài vọng cổ được lấy tựa đề “Hoa rơi cửa Phật” của soạn giả-NSND Viễn Châu cũng rất thành công và ra mắt rất sớm ngay từ đầu những thập niên 1940. Bài ca này đã góp phần thành danh cho nghệ sĩ Mộng TuyềnÚt Bạch Lan. Năm 1965, các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng cùng phối hợp nhau sáng tác 3 bài tân nhạc Chuyện tình Lan và Điệp, ký tên là Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh. Các bài tân nhạc này cũng nhanh chóng được nhiều người thuộc lòng, đặc biệt với bài số 1, Chuyện tình Lan – Điệp đã trở thành một trong những bài hát được biết đến nhiều nhất tại miền Nam Việt Nam thời ấy. “Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…”

Với Chuyện tình Lan và Điệp trong cải lương

Nhiều cảnh đặc sắc trong Lan và Điệp mà chỉ cần nhắc đến đã làm thổn thức biết bao trái tim người hâm mộ. Đó là lúc Lan chia tay Điệp lên thành phố để thi lại. Sự ngượng ngùng của đôi trẻ khi mới bước vào yêu. Dù trời đất có buồn thiệt là buồn thì chỉ cần ở gần người mình yêu, thì “lòng vui không kể xiết, vì biết rằng người ta này sắp gặp lại người ta đó, sau gần một năm xa cách mong chờ”. Sự giản dị mà thật lòng thật dạ của một cô gái quê, rút hết ống lấy tiền cho Điệp đi lập thành công danh cùng những lời dặn dò mộc mạc, chân chất đã đi sâu vào lòng người mộ điệu. 

lan và điệp-3

Cảnh cô con dâu Thúy Liễu về nhà mẹ chồng chê trước chê sau. Sai biểu mẹ chồng như người ở, khiến Điệp tức giận. Một trận cãi vã khiến tan nát mối hôn nhân ép buộc. Một người mẹ thương con, cố nịnh nhục để đẹp lòng con dâu, để êm ấm gia đình. Dù mẹ Điệp cũng vô cùng thương Lan, nhưng lại không biết Điệp bị nhà ông Phủ gài bẫy. Dù con có ra sao, thì người mẹ vẫn không thể nào bỏ con của mình cho được.

Một tình cảnh ngang trái khi Điệp tìm đến cửa chùa để giải bày tâm sự mà Lan lại từ chối không cho Điệp cơ hội.  “Lan ơi, em cắt đứt dây chuông là cắt đứt tình ta rồi”. Lan có quá cố chấp chăng? Và cảnh cuối khi Điệp được vào chùa gặp Lan, thì lúc đó Lan đã sắp rút hơi thở cuối cùng. Còn gì đau hơn khi người yêu ôm một hối hận lòng, vì mình mà sắp lìa xa nhân thế. Những lời “trăn trối” của Lan khiến bất kỳ ai nghe cũng đau lòng xót dạ, xót thương cho một cô gái quê hiền lành, mộc mạc, thương cho một cành Lan bị bão táp xô ngã giữa dòng đời.

lan và điệp-4

Lan ơi, tội tình chi em đày đọa cuộc đời? Chôn tuổi xuân trong nâu sòng khổ hạnh, trong khi lòng còn nặng nhớ thương”.
Em muốn anh quên em đi, muốn trả anh về với gia đình hạnh phúc, nên những tờ thơ anh gửi em còn giữ nguyên đây mà, em đâu có đọc”.
Trời ơi, bày chi cảnh lá lay cay nghiệt, cho người đày đọa cuộc đời, kẻ tan nát lòng đau”.

Tình yêu của Lan và Điệp

Một tác phẩm kinh điển được chuyển thể qua nhiều lĩnh vực. Chuyện tình Lan và Điệp thể hiện quan niệm về tình yêu trong chế độ cũ. Sự kín kẽ của những người yêu nhau mà không dám bày tỏ, sự cố chấp trong cảm xúc đạt cực điểm khi Lan không nghe Điệp giãi bày lấy một lần. Nếu lúc đó, Điệp mạnh mẽ hơn, bằng mọi giá gặp Lan cho bằng được. Nếu Lan không quá đau khổ vì mối tình tan vỡ mà để lý trí thắng trái tim, cho Điệp một có hội giải thích, thì có lẽ…kết cục đã khác. Dù sao đây cũng là một mối tình đẹp, một lời nhắc nhở với những người yêu nhau hãy trân trọng người trước mắt, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn để hiểu nhau hơn, đừng để đắng cay như “Chuyện tình Lan và Điệp”.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow