Từ “Thần đồng bé Hương Lan”đến “Danh ca Hương Lan”

Ba tuổi, dù chưa biết chữ, nhưng đã rành 6 câu vọng cổ. Đến nay, đã gần thất tuần, từ thần đồng đã trở thành một danh ca huyền thoại.

Từ “Thần đồng bé Hương Lan”đến “Danh ca Hương Lan”

Huyền thoại thần đồng bé Hương Lan

Bà là hậu duệ của một gia đình có truyền thống Cải lương. Bà nội, ba mẹ bà đều là những nghệ sĩ có tên tuổi, được nhiều người quý mến. Có thể nói từ khi còn trong bụng mẹ, bà đã được học cải lương, đã được lên sân khấu biểu diễn. Là ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước, mang trong mình dòng máu nghệ thuật của gia đình, khi chỉ mới 3 tuổi đã là một thần đồng âm nhạc - bé Hương Lan.

Với cái nôi là cải lương, cũng là truyền thống của gia đình, thần đồng bé Hương Lan đã có thể rành rẽ 6 câu vọng cổ từ khi còn rất nhỏ. Đến 5 tuổi bà đã ca được nhiều bài bản tài tử như Văn Thiên Tường, Tây Thi hay Lưu Thủy… với làn hơi và nhịp điệu không thua gì các nghệ sĩ lớn. Cô bé Trần Thị Ngọc Ánh ngay từ lần đầu bước lên sân khấu đã có nghệ danh Hương Lan (Nghệ sĩ Hữu Phước ghép từ tên 2 nghệ sĩ mà ông yêu thích là Thanh HươngÚt Bạch Lan), lúc đó được bà nội dẫn đi ca tại các quán tài tử. Cô bé “thần đồng”, nhỏ xíu ngày nào, đến nay đã là danh ca “vạn người mê”.

Năm 1961, mới 5 tuổi Hương Lan đã chίnh thức ra mắt công chúng với vai phụ trong vở “Thiếu phụ Nam Xương”. Ngày hôm đó, lần đầu tiên người ta thấy một biểu ngữ to căng trước rạp “Vở tuồng có sự tham gia của thần đồng Hương Lan, ái nữ của nghệ sĩ Hữu Phước”. Dưới dàn micro treo, Hương Lan phải đứng trên một cái hộp gỗ mới kéo tới dây micro để hát. Cô bé đứng trên cái hộp ấy, miệng ngậm cái núm vú cao su, cứ khi nào nhạc nổi lên thὶ lại nhả ra để ca, ca xong kе́o cái núm vú ngậm tiếp.

“Thần đồng” Hương Lan sau đó có dịp được đi lưu diễn ở nhiều nơi, được học thêm về đờn ca tài tử với nhiều nghệ sĩ lão làng. Tuy nhiên, là “thần đồng” cải lương nhưng vẫn phải đi học, không thể đi lưu diễn xa dài ngày. Phần vì khi lên trung học, Hương Lan đã quá lớn để đóng các vai “đào con”, nhưng cũng chưa quá lớn để đảm nhận các vai đào chánh. Đến 1966, Hương Lan chuyển hướng sang một lĩnh vực khác - hát tân nhạc.

Thần đồng bé Hương Lan đi hát tân nhạc

Trong một lần tình cờ, nhạc sĩ Trúc Phương phát hiện ra năng khiếu của Hương Lan rất hợp với tân nhạc, ông đã cùng nhạc sĩ Châu Kỳ đào tạo, rèn luyện thêm về nhạc lý, kỹ thuật hát tân nhạc cho bà. Để rồi một lần nữa cái tên Hương Lan vụt sáng trên bầu trời nghệ thuật. “Những đồi hoa sim”“Ai ra xứ Huế” là 2 bài hát được nhiều người nhắc đến của Hương Lan vào thời điểm này, giọng ca ngọt ngào truyền cảm của cô bé 11 tuổi đã dành được nhiều sự yêu thích của khán giả gần xa.

Đến năm 1968, Hương Lan ký hợp đồng thu âm đĩa nhựa cộng tác với Hãng Dĩa Việt Nam. Từ đây, bà chính thức trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Các bài hát: Bông Cỏ May, Ngày Mai Tôi Về, Thành Phố Sau Lưng, Một Người Đi,.. đều được hát lần đầu tiên bởi bà và đến nay đã trở thành bất hủ. Song song đó, đến 1975 bà trở lại với cải lương khi gia nhập đoàn Kim Chung và thành công với các vai đào chánh trong các vở "Hán đế biệt Chiêu Quân", "Cây sầu riêng trổ bông", "Nắng thu về ngõ trúc"...Đây cũng là thời điểm bà lập gia đình với nghệ sĩ Chí Tâm, lúc vừa mới bước sang tuổi 20.

Danh ca Hương Lan ghi dấu ấn tại hải ngoại

Sau những chuyển biến của thời cuộc, năm 1978, Hương Lan xuất ngoại và định cư ở Pháp. Từ đây sự nghiệp lừng lẫy của “Danh ca Hương Lan” mới chính thức bắt đầu. Cô gia nhập Trung tâm băng nhạc Thúy Nga, phát hành cuốn băng “Tiếng hát Hương Lan” (hay Hát cho một thời để yêu) với doanh số kỷ lục của trung tâm lúc bấy giờ, đạt 65 ngàn bản. Để rồi sau đó, trong số đầu tiên của Paris By Night, tiếng hát của Hương Lan trở nên “nổi như cồn” trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại với 2 bài hát Muộn MàngTrên Đỉnh Mùa Đông.

Thập niên 1980 từng được mệnh danh là "thập niên của Hương Lan", khi bà liên tiếp đạt được nhiều thành công trên cả hai lĩnh vực tân nhạc lẫn cổ nhạc. Cặp song ca Tuấn Vũ – Hương Lan cũng được xem là cặp song ca lừng danh trong thị trường âm nhạc hải ngoại cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Cái tên Hương Lan cũng trở thành trụ cột của trung tâm Thúy Nga.

Sau đó Hương Lan cộng tác với trung tâm Làng Văn, cho ra mắt một hiện tượng mang tên “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Cuốn băng này đã đi vào huyền thoại, để mà mỗi khi nhắc đến Hương Lan là người ta nghĩ ngay đến những câu hát “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng….” Sau đó, nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Bắc Sơn được bà thể hiện đều rất thành công, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng yêu nhạc quê hương.

Với thần tượng của mình là ca sĩ Duy Khánh, bà cũng có được sự kết hợp ăn ý với nhiều ca khúc song ca được yêu thích như Ngày Xuân Thăm Nhau, Rước Tình Về Với Quê Hương, Đi Từ Đồng Rộng Bao La, Sao Không Thấy Anh Về, Đêm Trao Kỷ Niệm, …

Đam mê được hát trên quê hương

Năm 1996, Hương Lan trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên được cấp phép biểu diễn trong nước. Từ đó, bà thường xuyên xuất hiện trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nước. Năm 2009, liveshow Ơn Đời Một Khúc Dân Ca dù gặp một số sự cố không đáng có nhưng vẫn nhận được sự yêu mến nồng nhiệt của khán giả, với giá vé cao nhất lên đến 1tr5/vé, giá kỷ lục ở thời điểm đó. Hương Lan đã cống hiến cho nghệ thuật không biết mệt mỏi ở cả trong và ngoài nước từ ngày ấy đến nay.

Năm 2019, đánh dấu sự trở lại của Hương Lan khi bà đồng ý tham gia chương trình Ký Ức Vui Vẻ với vai trò khách mời với phần trình diễn ca khúc Đêm gành hào nghe điệu Hoài Lang của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Cuối năm 2023, ở tuổi 67, bà tham gia chương trình Ca Sĩ Mặt Nạ, với mong ước mang dòng nhạc quê hương đến gần hơn với giới trẻ, giữ gìn nét đặc sắc đậm chất Nam bộ. Sau đó, “Cô Cú Tây Bắc” khẳng định không giải nghệ, nhưng sẽ không biểu diễn ở phòng trà, các sân khấu lớn mà chỉ hát ở các chương trình từ thiện, hoặc trên trang YouTube cá nhân theo yêu cầu khán giả.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow