Giấc mộng của “Giấc mộng đêm xuân”

"Cực khổ lắm, vinh nhục thăng trầm bao lượt… Mà có bỏ được cái nghề đâu, cái nghiệp nó đã bện chặt vào thân rồi!”

Giấc mộng của “Giấc mộng đêm xuân”

1. Sơ lược về Giấc mộng đêm xuân

Vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân” dưới cây bút điêu luyện của 2 tác giả Nhị Kiều - Phi Hùng trở thành một trong những vở cải lương kinh điển của làng sân khấu cải lương Việt Nam. Với nhiều cung bậc cảm xúc mà vở cải lương này mang lại, góp phần điểm tô thêm cho tên tuổi của nhiều nghệ sĩ vang danh, vẽ lại câu chuyện tình đẹp của Cậu 2 Tuấn và Cô đào Xuân.
Cậu 2 Tuấn là con của quan Phủ quyền uy tột bậc. Cậu 2 đem lòng yêu cô Xuân, là cô đào chánh trong ban hát Tầm Xuân. Với sự hà khắc của chế độ xưa, đào hát, kép hát bị xem là những người phiêu bạt, rày đây mai đó, “gạo chợ nước sông”, “xướng ca vô loài”, nên không được ông bà Phủ coi trọng. Ông bà ra sức ngăn cấm tình cảm của 2 trái tim đang rạo rực lửa yêu. Nhưng nhờ vào khát vọng với nghề hát, khát vọng tình yêu, sự mưu cầu hạnh phúc của những người yêu nhau, đến cuối cùng họ cũng được trở về bên nhau.

2. Một số phiên bản của Giấc mộng đêm xuân

Trải qua nhiều lần tái thiết, rất nhiều lớp nghệ sĩ đã thành danh nhờ tên tuổi gắn liền với cậu 2 Tuấn, cô đào Xuân trong vở cải lương này. NSND Minh Vương và NSND Bạch Tuyết nổi danh trong bản thu thanh quen thuộc trên radio. Năm 1990, vở diễn này được dàn dựng video với cô đào 2 xuân là Nghệ sĩ Phượng Liên và cậu 2 Tuấn là NSND Minh Vương. Đây cũng là kí ức của rất nhiều thế hệ qua chiếc tivi trắng đen những năm 90 của thế kỷ trước. Kế đó, là bản của 2 NSƯT Kim Tử Long- Ngọc Huyền, cặp đôi màn ảnh này mang đến một làn gió mới vì sự ăn ý của họ khi diễn vai 2 người yêu nhau nhưng bị định kiến xã hội ngăn cấm. NSND Lệ Thủy cũng từng đóng cặp với NSND Minh Vương trong tuồng cải lương này trên sân khấu lớn. Và gần đây, nhà hát thành phố cũng mới vừa tái diễn lại vở cải lương này cùng với sự tham gia của các NS: NSND Thanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Lê Hồng Thắm, Linh Trung… “Giấc mộng đêm xuân” lần này còn có sự góp mặt của hai khách mời đặc biệt là NSƯT Hoài Linh và NS hài Trung Dân. 

giac-mong-dem-xuan-2

3. Hiện thực của Giấc mộng đêm xuân

Sự tâm huyết của những người nghệ sĩ “gạo chợ nước sông”
Đem tài năng và lời ca tiếng hát phục vụ đời sống tinh thần của nhiều người, nhưng người nghệ sĩ cũng khắc khoải nhiều nỗi niềm riêng về sân khấu, sàn diễn và đời sống của họ. Họ luôn mong muốn được hát, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Họ khao khát được sống với sàn diễn, với nhân vật của mình… đến những hơi thở cuối cùng. NSƯT Tấn Giao trong vai ông bầu gánh hát Tầm Xuân trong vở diễn có nhiều trăn trở đáng suy ngẫm: 
Mới ngày nào còn trẻ cũng làm kép chánh như ai vậy, chớp mắt cái đã già, giờ làm ông bầu gánh hát. Hơn nửa đời “gạo chợ nước sông”, “ăn quán ngủ đình”. Cực khổ lắm, vinh nhục thăng trầm bao lượt… Mà có bỏ được cái nghề đâu, cái nghiệp nó đã bện chặt vào thân rồi!”

Sự hà khắc với những người luôn cống hiến cho nghệ thuật
Mặc dù ông bà Phủ thích văn nghệ, mê cải lương, luôn ban thưởng hậu hĩnh cho đào kép, đoàn hát nhưng vẫn xem họ là những người phiêu bạt, nghèo hèn. Theo quan điểm phong kiến, không có nghề “nghệ sĩ”, “ca sĩ”, nghĩa là những người làm công việc đó không được xếp vào những nghề nghiệp đáng quý trọng như “sĩ, nông, công, thương”. Mà phải gọi họ là “bọn phường chèo, con hát”. Đây là loại người đáng bị khinh bỉ, nên có câu ám chỉ họ là bọn “xướng ca vô loài” nghĩa là trong các loại nghề nghiệp hợp pháp, hợp đạo đức trong xã hội thì người hành nghề ca hát không đáng xếp vào loại nào cả! Nghề nghiệp của họ không được xã hội lúc bấy giờ tôn trọng. Nên việc yêu cậu 2 Tuấn của cô 2 Xuân bị coi là trèo cao, “đỉa đeo chân hạc”.

giac-mong-dem-xuan-3

“Môn đăng hộ đối” trong chế độ cũ
Các gia đình khá giả ngày trước khi dựng vợ gả chồng cho con cái đều muốn tìm một gia đình tương xứng để cuộc sống hậu hôn nhân suôn sẻ. Việc con một vị quan Phủ đòi kết hôn với một cô đào hát được cho là không “môn đăng hộ đối”. Người đời trước họ quan niệm con quan thì không được lấy con hàng dân dã, điều đó sẽ làm mất mặt ba mẹ, xấu hổ tông môn. Do đó, cậu Tuấn bị ép hôn với cô 2 Thanh, là con ông Hội đồng giàu có trong vùng. Đây mới thực sự là “ môn đăng hộ đối” theo lý tưởng của họ. Người thời nay thì thoáng hơn, “môn đăng hộ đối” không nên quá phụ thuộc vào các yếu tố vật chất. Bởi vì tiền bạc, địa vị có thể nỗ lực đạt được, còn tình cảm thì sẽ không đơn thuần có được nhờ cố gắng. Chỉ cần thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận khác biệt là có thể gắn bó nhau lâu dài. Đó đã là “môn đăng hộ đối”.

4. Giấc mộng của Giấc mộng đêm xuân

Trở về với sự trăn trở của nghệ thuật cải lương trong những năm gần đây. Việc tìm lại ánh hào quang cho sân khấu cải lương, giúp nó luôn có “chỗ đứng” trong lòng khán giả, đang là điều trăn trở khôn nguôi của những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Người nghệ sĩ họ luôn mong muốn được hát, được cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng sàn diễn, sân khấu lại thiếu những đêm sáng đèn, khán giả ít đến rạp xem. 

giac-mong-dem-xuan-4

Việc thiếu các vở diễn mới, chất lượng cũng là rào cản lớn của cải lương thời đại mới đến với khán giả. Chưa kể, việc dựng lại các vở cũ, hoặc viết kịch bản mới từ những câu chuyện, tác phẩm quá quen thuộc, ít nhiều sẽ làm giảm yếu tố bất ngờ của vở diễn. Do đó cần phải có những hướng đi mới, chấp nhận những thay đổi của thời đại mới để cải lương luôn tồn tại và phát triển.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow