Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà và Giọt máu chung tình

“Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không đến nơi, mây nước buồn cơn lửa binh, hết kể chuyện chung tình, khóc than riêng em một mình.” Một câu hát rất nổi tiếng trong “giới” tân cổ giao duyên.

Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà và Giọt máu chung tình

Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà là ai?

Đây là tên 2 nhân vật chính trong tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử (bút hiệu của ông Nguyễn Hữu Ngỡi). Là một tiểu thuyết kể về sự tích của một kẻ trang anh hùng hào kiệt và một khách má hồng liệt nữ thuyền quyên ở chính nước ta. Trong truyện, Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Còn Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Tây Thành Bạch Công (Hà Nội). Sau khi cha tuẫn tiết, Võ Đông Sơ sống với người chú ruột tại Bình Định, quyết luyện võ, ôn văn chờ dịp cứu nước. Họ đã vượt qua bao sóng gió của thời binh lửa, tưởng chừng được ở bên nhau, nhưng đường tình không trọn vẹn. Võ Đông Sơ tử trận khi đánh giặc, lúc hấp hối chàng không ngừng gọi tên Bạch Thu Hà và nhắn gửi ba quân phải báo hung tin cho nàng hay. Bạch Thu Hà đã khóc thảm thiết bên linh cữu Võ Đông Sơ và quyết dùng gươm báu quyên sinh để giữ trọn chung thủy với người tình.

Hai nhân vật tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết, khá giống một số nhân vật trong các truyện tàu, nhưng xuất thân lại “rất Việt Nam”. Họ đã trở thành 2 nhân vật tiêu biểu, tượng trưng cho tấm lòng trung nghĩa, tiết liệt, chung thủy với tình yêu cho đến lúc chết. Nhờ Cải lương mà tên tuổi của hai nhân vật trở nên vô cùng nổi tiếng, vượt xa cả bản truyện bản gốc, nhất là lớp sau khi Võ Đông Sơ tử trận nêu bật lên tấm lòng chung thủy son sắt của Bạch Thu Hà.

Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà và giọt máu chung tình

Có thể nói tiểu thuyết Giọt máu chung tình đã trở thành ”best seller” khi được chuyển thể qua cải lương. Vì hầu như không ai mê cải lương mà không biết đến chuyện tình đẫm nước mắt của cặp đôi “Võ- Bạch”. Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước, hễ nghe có tuồng hát Võ Đông Sơ do soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền chuyển thể là bà con kéo về chợ Thốt Nốt coi đông nghẹt. Đặc biệt, trường đoạn Bạch Thu Hà đau đớn trước quan tài của Võ Đông Sơ, người đã hy sinh nơi trận mạc vì Tổ quốc, qua diễn xuất của nghệ sĩ Phùng Há đã trở thành một trường đoạn mẫu mực của nghệ thuật cải lương.

Sự nổi tiếng của Giọt máu chung tình còn được nối dài qua hai bài vọng cổ Võ Đông SơBạch Thu Hà ra đời vào thập niên 1960 của soạn giả NSND Viễn Châu. Từ đó đến nay, 2 tác phẩm này đã trở thành những bản vọng cổ kinh điển. Hầu như người biết ca cải lương, nam thì đều biết đôi câu trong Võ Đông Sơ, nữ thì đều ca được vài khúc trong bản Bạch Thu Hà Từ đây, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà được ví như một trong những cặp tình nhân lý tưởng trong nghệ thuật Cải lương Việt Nam, bên cạnh những Thúy Kiều - Kim Trọng (Truyện Kiều - Nguyễn Du), Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)...

Võ Đông Sơ 

Bản vọng cổ kinh điển gắn liền với đoạn tân nhạc: “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không đến nơi, mây nước buồn cơn lửa binh, hết kể chuyện chung tình, khóc than riêng em một mình.” và câu vọng cổ “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà”. Nó nổi tiếng đến nổi dân ghiền cải lương dường như không ai là không biết tới. Sức sống mãnh liệt của bản vọng cổ này vẫn còn đến ngày nay, xuất hiện từ các sân khấu lớn cho tới những bàn nhậu bình dân của mấy ông mê ca cổ ở vùng sâu, vùng xa.

Danh ca Minh Cảnh là người đầu tiên thâu bài Võ Đông Sơ. Thời điểm đó đang là trào lưu của những giọng ca mùi mẫn, tự sự, buồn man mác. Minh Cảnh lại xuất hiện như giọng ca tươi mới, trẻ, phá cách. Do đó, sự ra đời của bài Võ Đông Sơ giống như mở đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tân cổ giao duyên. Góp phần đưa Minh Cảnh trở thành giọng ca thượng đẳng trong giới. 

Võ Đông Sơ được soạn giả NSND Viễn Châu viết có cấu trúc rất hoàn chỉnh. Nhưng thay vì 6, thì ông chỉ viết 5 câu, 8 nhịp của câu 6 ông viết theo giọng tân nhạc. Đây xem như là bước đột phá "hết hồn", Viễn Châu trở thành người mở đường cho hiện tượng này. Võ đông Sơ với sự thể hiện của danh ca Minh Cảnh như một “hot trend chấn động” thời bấy giờ.

Bạch Thu Hà

Tương tự như bản Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà được soạn giả NSND Viễn Châu sáng tác cả phần lời nhạc và lời vọng cổ. Mặc dù không nổi tiếng khắp hang cùng ngõ hẻm như Võ Đông Sơ, nhưng Bạch Thu Hà cũng là một bài tân cổ giao duyên hay, được nhiều nghệ sĩ chọn ca. Người thâu bài này đầu tiên là NSND Lệ Thủy
“Trông khói hương mơ màng bay bay, đêm tóc tang u buồn nhớ ai, nửa chừng duyên kiếp chia phôi, ai đi cách mấy phương trời, duyên trúc mai vĩnh viễn xa rồi. Ai biết đâu một lần chia tay, riêng thiếp cam chịu nhiều đắng cay, mối sầu bao thuở cho nguôi, ly tan chua xót muôn đời, bao đắng cay than chẳng nên lời."
Hay câu vô vọng cổ "Võ lang! Võ Lang ôi! Đôi ngã sâm thương uyên ương rã cánh, thiếp đành cam gãy gánh... chung... tình”. Câu vọng cổ mang theo nét u buồn chất chứa, theo thời gian cũng đã gần 100 năm tuổi, Nhưng đến nay nhiều người vẫn nghe, vẫn ca theo được. Đó là một niềm vinh hạnh lớn cho nghệ thuật cải lương.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow