Nàng Tô Ánh Nguyệt

Tô Ánh Nguyệt là một vở cải lương kinh điển, của Soạn giả Trần Hữu Trang, sáng tác khoảng 1935 - 1936.

Nàng Tô Ánh Nguyệt

Nàng Tô Ánh Nguyệt là ai?

Nàng Tô Ánh Nguyệt là con gái của một ông Cả đứng đầu trong làng, ông theo Nho học với những tư tưởng gả con phải “Môn đăng hộ đối”, “áo mặc sao qua khỏi đầu” “đàn bà thì phải ở sau bếp, không được lên nhà trên”. Ông đã một mực ép Nguyệt lấy chồng, một người trong làng mà nàng không hề yêu thương. Nhưng trước đó, Nguyệt lên tỉnh học và đã vượt qua vòng lễ giáo gia phong, có thai với một người bạn học tên Minh. Hai người yêu nhau bằng một tình cảm chân thành, nhưng khi nàng vừa phát hiện đã mang trong mình cốt nhục của anh, thì gia đình Minh lại bắt anh về cưới vợ.

Nàng phải lặng lẽ bỏ ra đi, khi bụng mang dạ chửa để giữ danh giá cho gia đình. Thân gái một mình, lại đang mang thai, khó khăn trăm bề, nàng phải gắng gượng sinh con trong cảnh nghèo khó cơ hàn, “đói lạnh giữa chợ đời”.

Sau đó mẹ của nàng vì quá thương nhớ con mà mang bệnh trầm kha, muốn gặp nàng lần cuối trước khi nhắm mắt. Cha đến tìm gặp, buộc nàng phải quay về nhà và trao lại đứa trẻ mới sinh cho vợ chồng Minh. Đây là đỉnh điểm nỗi đau của người con gái ấy, khi phải đành tâm mà bứt lìa núm ruột của chính mình.

Sau khi đã làm tròn chữ hiếu với song thân, người mẹ đáng thương đã lẳng lặng thuê nhà ở gần con, dõi theo sự trưởng thành của con từ xa, đứng nép lẳng lặng một bên để nhìn gia đình người ta hạnh phúc.

Mười tám năm sau, Minh và Nguyệt gặp lại nhau khi con của hai người đã lớn. Những lần đến gặp Nguyệt của Minh vô tình khiến con trai 2 người nghĩ Ba mình ngoại tình, khi Minh vừa rời khỏi thì người con trai cũng đến rồi buông lời nặng nhẹ, xúc phạm với mẹ ruột của mình khiến nàng lại một lần nữa ra đi, nhận hết đau khổ về mình để cho người khác được hạnh phúc.

Và rồi khi hấp hối, Minh đã kể lại tất cả mọi chuyện về cuộc đời thăng trầm của Nàng Tô Ánh Nguyệt, trước lúc Minh nhắm mắt cũng vừa kịp nhìn được Nguyệt lần cuối.

Anh Minh và cô Nguyệt của NSND Minh Vương và Lệ Thủy

Nhắc đến vở cải lương Tô Ánh Nguyệt thì không thể không nhắc đến cặp uyên ương sân khấu Minh Vương - Lệ Thủy. Một chàng Minh không dám vượt qua khuôn khổ gia đình để đến với người mình yêu cùng một nàng Tô Ánh Nguyệt chân thành, mộc mạc, hy sinh cả cuộc đời để những người yêu thương được hạnh phúc.


 
Cũng là một người mẹ nên NSND Lệ Thủy hiểu được con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất của người mẹ, là mối quan tâm đến suốt cuộc đời. Người ta có thể chịu đựng mất mát mọi thứ, nhưng mất con thì như đứt từng khúc ruột. Chính tâm lý đó đã tạo đất diễn cho nghệ sĩ Lệ Thủy. Sự khó xử, cảm xúc bối rối của anh Minh khi phải đứng giữa một bên là cô vợ mới cưới với món nợ của gia đình và một bên là người thương và đứa con mới sinh cũng được NSND Minh Vương khắc họa rất tinh tế. Từng ánh mắt, cử chỉ rụt rè của một chàng trai mới lớn đã chạm sâu vào lòng người mộ điệu. Có thể thấy rõ một anh Minh nhu nhược, không dám vượt qua những khắt khe của những tư tưởng lạc hậu để đến che chở bảo bọc cho người con gái mình yêu thương.

Sự ăn ý của 2 người thể hiện rõ nhất ở lớp diễn gặp lại sau 18 năm. Bà Tô Ánh Nguyệt tóc pha sương trầm tĩnh ngồi thêu gối cưới tặng con là một phong thái rất đẹp của Lệ Thủy. Ông Minh với từng bước khó khăn tới lui thăm viếng Nguyệt mong hàn gắn lại vết thương lòng và nhận từ bà một lời tha thứ. Dù ngọn lửa tình có thể đã nhen nhóm trở lại qua cách xưng hô tinh tế của Nguyệt với tiếng “Thầy” chuyển sang tiếng “Anh” 2 lần vô cùng ẩn ý. Nhưng Nguyệt dù có tha thứ, thì vẫn chọn hy sinh, hy sinh đến cả một đời.

Anh về nghe Nguyệt!”. Bà trả lời: “Dạ, anh về”. Tiếng “anh” đầu tiên nghe có chút gì đó tha thiết nhói lòng bởi đó chính là tiếng gọi yêu thương bà chờ đợi gần 20 năm. Nhưng khi ông Minh nói lại lần thứ 2: “Anh về nghe Nguyệt!” thì bà cũng trả lời đúng câu: “Dạ, anh về”, mà tiếng “anh” bây giờ đã tỉnh hơn, chỉ còn đúng lễ. Tiếng “Anh” đó cũng là tiếng trái tim bà đã nhẹ nhàng buông. Lại chọn hy sinh hạnh phúc của mình để người khác được hạnh phúc. Những lớp diễn tâm lý quá đầy đặn nên các nghệ sĩ đầu tư rất kỹ, chú trọng từng cách nhả chữ, từng cách nhấn nhá, chứ không phải hoàn toàn thả trôi cho cảm xúc kiểu gào khóc, cuồng giận, lụy tình. Mọi thứ đều chừng mực nhưng kỹ thuật biểu diễn đạt đến mức đáng nể.

Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt

Tô Ánh Nguyệt ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ, dám yêu dám hận, và tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả. Đồng thời cũng phản ánh một cách tinh tế những vấn đề của xã hội miền Nam đầu thế kỷ 20, khi những lề thói, tập quán phong kiến cũ kỹ đang cố gắng vùng vẫy chống lại những luồng gió mới từ phong trào Âu hóa.

Cao trào là cuộc đối thoại đầy ẩn ý của ba Nguyệt và ba Minh. Ông Cả thì “thủ cựu bài tân”, trong khi ông Phát lại “đả cựu nghinh tân”. Ông Phát đã có sự chuẩn bị, lý lẽ sắc bén lẫn sự tinh ranh của một thương nhân đã dễ dàng áp chế một ông hương chức nông thôn thiếu kiến thức, bị động, lúng túng, nóng nảy, cố chấp. “Cái mới” đã tìm đến tận nhà “cái cũ”, chủ động khiêu chiến, khiến “cái cũ” không kịp trở tay và giành thắng lợi tuyệt đối. Đây không những là một sự cảnh báo về xu thế phát triển xã hội mà còn là bài học kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống.

Tình mẫu tử đã được khắc họa rõ nét trong lớp diễn trao con. Hình ảnh người mẹ nghèo trong bộ bà ba đen, chiếc nón lá cũ, cái giỏ đệm xơ xác, và những bước chân rụt rè, lảo đảo. Rụt rè bởi cô Nguyệt phải giấu thân phận của mình, trở thành phụ nữ xa lạ tìm đến để cho đi đứa con. Rụt rè bởi thấy gia thế người ta đồ sộ sang giàu, không biết họ có chịu nhận nuôi con mình. Rồi lảo đảo bởi phải đối diện với sự trái ngang, giằng xé. Bao nhiêu cơn sóng cuốn lấy bước chân bất hạnh của người mẹ nghèo. Giữa đứa con thơ mới vừa lọt lòng và người mẹ đang hấp hối, nàng chỉ được chọn một. Chính sự giằng xé, bứt rứt trong lòng người mẹ đã khiến người xem không kìm được nước mắt.

Sự hy sinh thầm lặng và ý chí vươn lên của Nguyệt, bà Cả (mẹ Nguyệt) và Dung (vợ Minh) cũng được thể hiện rõ nét trong vở cải lương này. Bà Cả hiện diện với hình ảnh của một người phụ nữ truyền thống chỉ biết phục tùng chồng, như lời ông Cả: “Bà chỉ cúi đầu nghe chứ không được quyền nói. Bổn phận đàn bà là cái bếp", nhưng bà Cả đã dám cãi chồng cho hai con học chữ Tây để “nó hiểu biết với người ta”. Bà muốn con mình tiến bộ hơn, không rơi vào vòng đời tăm tối của xã hội dành cho những người phụ nữ mà chính bà đang trải qua. Là một người phụ nữ xinh đẹp giỏi giang nhưng Dung vẫn luôn giấu vào lòng nỗi đau dai dẳng về cuộc hôn nhân “mười mấy năm không trọn mặn nồng, gió xuôi mà nước chảy ngược dòng”. Bao dung, nhẫn nhịn, hy sinh cả đời để cố giữ mái ấm, cô Dung cũng chỉ nhận được một sự thật phũ phàng, đứa con nuôi chính là con ruột của chồng, cùng lời xin lỗi của anh ta trước lúc lâm chung. Trớ trêu thay cho số phận một người phụ nữ giàu nghị lực trong xã hội nam quyền, nơi mà phụ nữ không được mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình.

Tô Ánh Nguyệt là một vở cải lương kinh điển, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những tên tuổi lớn như nghệ sĩ Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Tòng, Nguyên Hạnh… đã thể hiện chuẩn xác về tâm lý nhân vật, ca diễn đạt đến sự tinh tế. Một tác phẩm văn học đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật!

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow