Tấm lòng của mẹ chính là “Tấm lòng của biển”!

“Tấm lòng người mẹ dành cho con lúc nào cũng bao la như biển rộng! Nhưng có khi tình thương của những đứa con đối với ba mẹ thì nhỏ nhoi như hạt muối giữa đại dương...”

Tấm lòng của mẹ chính là “Tấm lòng của biển”!

Câu chuyện về “Tấm lòng của biển”

Tấm lòng của biển là vở cải lương gây bão lớn trong thập niên 1960 của Hà Triều - Hoa Phượng. Tấm lòng của biển đề cao tình mẫu tử, tình mẫu tử thiêng liêng có thể bất chấp tất cả mọi thứ trong một xã hội vô cùng khắc nghiệt.

Mở đầu vở cải lương là chuyện tình yêu của một ông chủ lớn dành cho bà vú trong nhà. Ông chủ có 2 người con gái là Thanh và con trai là Tấn. Trong khi Tấn ngầm ủng hộ cho cha mình theo đuổi tình yêu lúc xế chiều, thì Thanh ra sức ngăn cản vì lo sợ cho “danh giá gia đình”. Lo sợ nhà chồng tương lai sẽ khinh thường vì cha mình “tục huyền” với một người không môn đăng hộ đối.

Mọi chuyện càng tệ hơn khi Thanh lạnh lùng đuổi bà vú đi khỏi nhà vì cho rằng bà đã quyến rũ cha mình. Dù được vú nuôi từ bé nhưng là một người của xã hội bấy giờ, Thanh vẫn xem bà vú là người ở, “mà cô có quyền sai bảo rầy la”. Đây là một phân cảnh cảm động của vở, trước khi vú đi, vú đã xin được “ủi cho cô 2 lượt áo cuối rồi tôi đi”. Tại đây cũng hé lộ cô 2 Thanh chính là con ruột của vú và “ông kaki vàng 3 túi” thường tới lui đến nhà. Nhưng do không biết, Thanh đã làm khổ chính mẹ ruột của cô.

Và cảnh “đắc” nhất của vở cải lương này chính là lúc bà vú sắp đi khỏi nhà, Tấn giữ lại và gửi thư của mẹ Tấn cho Thanh, nhờ Thanh đọc lớn lá thư trước mặt tất cả mọi người, “đọc cho chị nghe và cho cả lương tâm chị nghe”. Chính lúc này sự thật về thân thế của Thanh được hé lộ, Thanh chính là con ruột của bà vú. Thân gái dặm trường phải bỏ xứ ra đi tìm phương sinh sống, khi chồng (ông kaki vàng 3 túi) bị rơi vào cảnh tù tội. Thanh được ông bà chủ nhận làm con và cho bà vú làm vú nuôi đứa trẻ cho đến lớn, với cam kết ”không bao giờ được nhìn lại con”. Bà vú với tấm lòng của biển đã chấp nhận thân phận người ăn kẻ ở bên cạnh con mình suốt ngần ấy năm. Cảnh đứa con gái muốn nhận lại mẹ mình nhưng mẹ lại phải ngoảnh mặt quay đi vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống và tình yêu của con đã lấy nước mắt của biết bao thế hệ khán giả.

Tình mẫu tử và lòng hiếu thảo

Thanh đáng thương nhưng cũng rất đáng trách. Cô được sinh ra và lớn lên trong một xã hội phân biệt giai cấp rất lớn, nên dù được bà vú hết lòng yêu thương - tình yêu thương của một người mẹ, thì cô cũng cho rằng bà là người ở trong nhà. Suy cho cùng, Thanh không sai, một cô gái lớn lên trong nhung lụa thì không thể ngờ mẹ ruột mình chính là bà vú của mình được. Do vậy, dù đau đớn đó, nhưng vì danh giá gia đình cô cũng không thể mềm lòng giữ bà ở lại. Cô chỉ vô tình phụ ơn người sinh thành dưỡng dục, có vẻ khinh thường vì khác biệt giai cấp, nhưng trong thâm tâm cô cũng đã xem bà vú là người thân, bằng chứng là cô đã khóc thật nhiều khi bà vú nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ, “luộc hột gà quăng xuống sàn cho cô lụm cô ăn”, “vú ở với con quài nha vú”.

Còn Tấn, anh con trai thất chí vì ăn học không thành tài nên vù đầu vào bia rượu, nhưng thật sự anh là một người con rất hiếu thảo. “Gặp món ăn ba thích thằng Tấn còn biết mua về”, Tấn cũng lưu giữ tấm hình chụp chung của ba và mẹ mình khi muốn lến đường lập nghiệp. Tấn chính là hình mẫu của những cậu ấm xưa, nhưng ở anh có sự văn minh của một người trí thức. Dù biết cha mình có thể sẽ tục huyền với bà vú, nhưng anh vẫn ngầm ủng hộ. Biết bà thực sự là mẹ ruột của chị mình, thì anh vẫn yêu thương bà như một bậc trưởng bối chứ phải chỉ là một người ở. Tấn cũng là người giúp Thanh nhận ra được tình mẫu tử, như tấm lòng của biển thiêng liêng đã ở bên mình từ bé đến lớn mà Thanh không nhận ra.

Bà vú, nhân vật chịu bi thương nhất trong vở cải lương này. Dẫu biết rằng tình yêu thương của người mẹ đối với con mình là vô bờ vô bến, nhưng có lẽ bà đã quá mức dung túng cho con gái mình, thương con một cách mù quáng đến mức nó sắp dẫm đạp, hất hủi một tấm lòng của biển bao la rộng lớn. Vì muốn con được sống trong nhung lụa, mà người mẹ ấy đã ngậm đắng nuốt cay ở bên cạnh nhìn con lớn lên, dấu biệt thân thế của con. Con ở trước mặt đó, nhưng phải kìm lòng không được nhận lại, không thể gọi “con ơi”, còn nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ ấy.

“Tấm lòng của biển" vươn ra biển lớn

Không chỉ là vở cải lương kinh điển được nhiều thế hệ yêu thích mà Tấm lòng của biển đã được chuyển thể thành nhiều thể loại khác nhau. Mà thể loại nào cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả. Có thể nói rằng Tấm lòng của biển đã thật sự vươn ra biển lớn.

Để làm mới câu chuyện về tấm lòng bao la của một người mẹ, đại diện cho vô số người mẹ khác, bộ phim Tấm lòng của biển đã được thêm thắt nhiều chi tiết đặc sắc, giúp gần gũi hơn với thời hiện đại. Với cải lương, đây là một tác phẩm kinh điển nên muốn bộ phim thu hút được người xem là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, bằng sự lồng ghép tinh tế, thay đổi không gian, thời gian cũng như bối cảnh đã tạo nên một sự thành công nhất định cho bộ phim cùng tên. Qua đó, tình mẹ, tình cha, sự hiếu nghĩa được khắc họa rõ nét, và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để con cái đền đáp công ơn trời biển của hai đấng sinh thành?

Bên cạnh phim truyện, Tấm lòng của biển còn đến với công chúng qua kịch nói. Ở đây, câu chuyện về tình mẫu tử được khắc họa gần nhất với nguyên tác trong cải lương. Và cũng thành công vang dội khi được trình diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ.

Có thể thấy, tấm lòng của người mẹ chính là tấm lòng của biển, điều vô cùng rộng lớn mà không gì có thể so sánh được. “Tấm lòng người mẹ dành cho con lúc nào cũng bao la như biển rộng! Nhưng có khi tình thương của những đứa con đối với ba mẹ thì nhỏ nhoi như hạt muối giữa đại dương...”  Vậy làm sao để hiếu thảo trọn vẹn với cha mẹ chính là thông điệp mà Tấm lòng của biển muốn gửi đến khán giả.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow