Điệu Văn Thiên Tường trong cải lương

Văn Thiên Tường - khúc ca sầu não, tự sự

Điệu Văn Thiên Tường trong cải lương

Nguồn gốc Văn Thiên Tường

Nếu không tìm tư liệu để hoàn thành bài viết này, tôi sẽ không biết Văn Thiên Tường là tên của một người. Vậy người đó là ai và ai sáng tác nên bài Văn Thiên Tường?

Đầu tiên trong cấu trúc 20 bài bản tổ cải lương, Văn Thiên Tường nằm trong nhóm 4 bài Oán Phụ là Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên và Xuân Nữ. Là bài Oán nên thể điệu mang tính trần thuật, tự sự, thổ lộ tâm tình, buồn ảo não với nhiều mức độ.

Điệu Văn Thiên Tường ra đời khoảng thế kỷ XIX -19, được sáng tác bởi ông Trần Quang Thọ (ông cố của GS-TS Trần Văn Khê) - một nhạc công của triều đình Huế, khi đã về cư ngụ tại đất Vĩnh Kim - Mỹ Tho - Tiền Giang. Do thấy ông Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) - vị anh hùng dân tộc vì dám nổi lên khởi nghĩa chống Pháp mà bị bắt rồi kết án tử hình chính tại Mỹ Tho. Hoàn cảnh thật giống với ông Văn Thiên Tường, cũng là một vị quan tiến sĩ triều Tống (Trung Quốc), khởi nghĩa chống giặc Nguyên nhưng thất bại, cũng bị kết án tử. Và cả 2 ông cho đến lúc chết vẫn hiên ngang, ngoan cường, giữ tròn khí tiết người anh hùng dân tộc. Ông Trần Quang Thọ vì để che mắt nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ mà lấy tên Văn Thiên Tường đặt cho điệu hát này, ngụ ý ca ngợi vị anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân. Thật sự ly kỳ cho sự ra đời của một điệu hát vô cùng quen thuộc trong nghệ thuật cải lương.

Tính chất của Văn Thiên Tường

Văn Thiên Tường là một thể điệu buồn. Dùng những lúc cần trần thuật, thổ lộ tâm tình, những lúc cần bày tỏ tâm sự của mình với người khác. Đây là một thể điệu được sử dụng rất nhiều trong cải lương, vọng cổ. Có thể bắt gặp nhiều lời ca khác nhau của cùng 1 điệu Văn Thiên Tường chỉ trong cùng 1 vở cải lương. Và trong các tuồng cải lương hay bài vọng vọng cổ, nghệ sĩ chỉ thể hiện Lớp dựng Văn thiên Tường, hoặc Lớp dựng với Lớp xế xảng.

Cấu trúc Văn Thiên Tường

Văn Thiên Tường có tổng cộng 42 câu, chia làm 3 lớp chính:
Lớp 1 (lớp nhứt, lớp đầu): Gồm 15 câu (từ câu 1 đến câu 15)
Lớp 2 (lớp nhì): Giống hoàn toàn lớp 1 (từ câu 16 đến câu 30)
Lớp 3: Gồm 12 câu. (từ câu 31 đến câu 42)
Trong 3 lớp chính, mỗi lớp sẽ bao gồm 2 lớp phụ là Lớp Dựng (6 câu) & Lớp Xế Xảng (3 câu). Lớp Dựng và Xế Xảng bắt đầu từ câu 7 đến câu 15 của Lớp Nhứt.

Lớp 1 và lớp 2 của Văn Thiên Tường giống hoàn toàn nhau là do lớp đầu nói về Văn Thiên Tường, và lớp thứ hai nói về anh hùng Thủ Khoa Huân. Nên hai lớp giống nhau cũng như hai người giống nhau ở khí tiết anh hùng, dù bị giặc bắt, vẫn hiên ngang anh dũng hy sinh, quyết không khuất phục kẻ thù.

Khi viết lời ca, nếu chỉ có Lớp Dựng thì soạn giả chỉ viết là (ca) LỚP DỰNG, nếu chỉ có Lớp Xế Xảng thì soạn giả viết là (ca) XẾ XẢNG, chớ không viết là (ca) VĂN THIÊN TƯỜNG. Và nếu viết là (ca) VĂN THIÊN TƯỜNG thì có nghĩa là sẽ ca LỚP NHỨT (hoặc LỚP NHÌ, LỚP BA) của thể điệu này.

Bản đờn Văn Thiên Tường ((9 câu, nhịp 8, hơi oán, trường canh hoãn điệu)


1. (-) (-) (-) Xán u liu (oan)
liu xề oan (liu) xề xán xứ liu (-) xế xang xư xề (-) xề xán u xề ú liu (oan)
2. Lỉu liu oan (xề) xề oan liu u (-) xề xán u xề u liu (oan) liu oan xề xảng xang xề (liu)
xế xang xư (xề) xảng xang xề (liu) tồn xang xế (xê) xảng xang xư (xàng)
3. Tồn (xang) xế xê (-) hò xê xang (xự) liu xề xảng xang xừ (xang)
xang xế (xê) xang xự (-) xang xế xê (-) xề xảng xang xư (hò)
4. Lỉu liu oan (xề) xề oan liu u (-) xề xán u xề u liu (oan) liu oan xề xảng xang xề (liu)
xế xang xư (xề) xảng xang xề (liu) tồn xang xế (xê) xảng xang xư (xàng)
5. Tồn (xang) xế xê (-) hò xê xang (xự) liu xề xảng xang xừ (xang)
xang xế (xê) xang xự (-) xang xế xê (-) xề xảng xang xư (hò)
6. Tồn (xang) xế xê (-) xề xảng xang (hò) liu xề xảng xang xề (liu)
xế xang xư (xề) xề oan liu (ú) xế xang xư (xề) xảng xang xề (liu)


XẾ XẢNG:
7. Liu oan xề xảng xang xề (liu) (-) Tồn xang líu (xể) líu cống xê (xang)
xang xế (xê) xể xang xư (xàng) xàng xề (xang) xề xự xế xừ (xang)
8. Xế xế xang xư (xề) xề xự cống xừ (xang) (-) Tồn xang xế (xê)
xê oán (líu) líu líu (-) líu cống xê (-) xề xế xang xư (hò)
9. Tồn (xang) xảng xang cống (xê) xề xự xế xừ (xang) xề xề xề (xang)
xang xế (xê) xể xang xư (xàng) xàng xề (xang) xề xự xế xừ (xang)

Các lời ca nổi tiếng của Văn Thiên Tường

Có rất nhiều lời Văn Thiên Tường đi sâu lòng lòng người mộ điệu cải lương. Trong đó phải kể đến Tâm Sự của Mai Đình với Hàn Mặc Tử lúc biết anh mang chứng bệnh nan y, mà vẫn một lòng yêu thương săn sóc: “ Anh Trí ơi, kể từ nay anh không còn sợ cô đơn. Bên anh, em trọn đời săn sóc đau thương,... Em mới là người ban ân sâu nghĩa nặng, anh nguyện tôn thờ suốt cuộc đời anh”

Màn tâm sự trước lúc 2 người yêu nhau mà sắp phải “chém giết lẫn nhau như 2 kẻ tử thù” của Tần Lĩnh SơnHồ Bảo Xuyên quận chúa trong Đêm lạnh chùa hoang:” Thôi hãy cố mà quên tất cả, vui cùng em giây phút để chia tay, nếu kiếp này mình không duyên không nợ, thì xin hẹn lại kiếp lai sinh…với bao nhiêu mộng ước, ta đành vĩnh biệt hôm nay.”

Hay lớp Văn Thiên Tường trong vở Cải lương Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài của Minh Vương - Thanh Kim Huệ, mang nỗi đau thương của nàng Chúc khi hay tin người yêu mình lìa bỏ cõi trần :” Ôi hỡi Lương… huynh, mảnh khăn hồng, còn thấm máu tươi. Tình dang dở, mà người đã xui tay. Ôi trời già lá lay, duyên trăm năm đã lỡ, tình một thuở ngậm ngùi…

Một điệu hát từ lâu đã được nhiều người thuộc nằm lòng mỗi khi nhắc nhớ đến Cải lương. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về Văn Thiên Tường.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow