NSND Diệp Lang - Ông Hội đồng cũng hay mà Lão Nông nghèo cũng giỏi

Chỉ sau vài ngày Ông hoàng Cải lương Hồ quảng NSƯT Vũ Linh qua đời, người mộ điệu cải lương lại phải vĩnh biệt người nghệ sĩ gạo cội, là thầy của những người thầy là nghệ sĩ - NSND Diệp Lang.

NSND Diệp Lang - Ông Hội đồng cũng hay mà Lão Nông nghèo cũng giỏi

Đôi nét về một “huyền thoại sân khấu Cải lương”

NSND Diệp Lang là một trong những “cây đa, cây đề” của nghệ thuật cải lương, ông vừa qua đời vào lúc 6h sáng, 11-3-2023. Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). 8 tuổi, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Ông Ba Diệp đã tìm thầy cho Diệp Lang học hát và bắt đầu với những vai phụ. Nghệ danh của ông cũng được đặt theo tên của cha ông, Diệp Lang có nghĩa là con trai của ông Ba Diệp.

Sau đó, ông tiếp tục chuyển sang hát ở đoàn Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân... Khi về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, ông bắt đầu được giao vai chánh - hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương. Đến 1963, với vai kép lão vở “Người anh khác mẹ” trên sân khấu đoàn Kim Chưởng đã giúp ông đoạt giải Thanh Tâm danh giá. Sau đó ông dần ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả hâm mộ với các vai kép độc, kép lão, kép tính cách, mà có thể nói rằng không ai có thể thay thế được. NSND Diệp Lang đóng vai ông Hội đồng độc ác cũng hay mà lão nông nghèo hiền hậu cũng giỏi.

Bậc thầy của những người thầy là nghệ sĩ cải lương

Nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSND Lệ Thủy, NS Châu Thanh, NS Hồng Vân, NS Tấn Beo, NSƯT Ngọc Huyền và nhiều nghệ sĩ lớp trẻ ngày nay đều được sự chỉ dạy tận tình của NSND Diệp Lang. Ông là một người thầy lớn của các nghệ sĩ, ông cũng tận tâm và rất nghiêm túc với nghề. Lúc còn khỏe, dù đã lớn tuổi, nhưng có khi quay đến 4-5h sáng, mà cảnh nào không vừa lòng là ông góp ý ngay với đạo diễn muốn quay lại để vở tuồng được hay một cách trọn vẹn nhất. Ông nghiêm khắc nhưng cũng rất thương và hiểu cho lớp trẻ. Tánh ông nghiêm túc nên ít nghệ sĩ dám giỡn hớt, bỡn cợt với ông. Thế nhưng kỳ thật ông rất tình cảm, có gì là chỉ bảo tận tình. Vì thế ai cũng kính trọng và xem NSND Diệp Lang như một bậc thầy đáng kính trong nghề. 

Dấu ấn ông của Hội đồng Thăng, Hội đồng Dư, Ba của nàng Tô Ánh Nguyệt, Ông già mù đốt nhà ba cô Nhạn “rau nhút”

Người ta thường nhắc đến vai ông Hội đồng Thăng của NSND Diệp Lang diễn với NSND Bạch Tuyết trong vở tuồng kinh điển “Đời Cô Lựu”. Với cách nhấn nhá, lời thoại đặc biệt, từng cái nguýt và nhất là ánh mắt xuất thần của ông đã tạo nên một nhân vật ông Hội đồng Thăng khiến ai ai cũng ghét. Không ai có thể thay thế được cái thần của ông ở vai diễn này, ”Ông Hội đồng Thăng" của nghệ sĩ Diệp Lang đã khiến "cô Lựu" Bạch Tuyết đau đớn và nặng lòng nhất với từng câu thoại rất ư là "Hội đồng Thăng". 

Hội đồng Dư trong vở “Tiếng hò sông Hậu” cũng được NSND Diệp Lang diễn như không diễn. Sự cường hào ác bá của Hội đồng Dư do ông thể hiện khiến ai cũng ghét cay ghét đắng. Ông đã khắc họa nên một nhân vật tiêu biểu cho giai cấp địa chủ thời thực dân nửa phong kiến, chính Hội đồng Dư là nguyên nhân gây ra thảm cảnh xã hội đen tối. Hội đồng Dư của ông ác độc một cách thẳng thừng, không che giấu, không sợ dư luận. Những câu như: "Con ngồi xuống đây ba chỉ cách cho làm ăn", hoặc "Nếu ở nhân đức thì đời ông nội con làm gì có mấy ngàn mẫu ruộng, thằng tòa Sang đi du học...", rồi ông ta chỉ dẫn cho thằng rể cách thử lúa, thảy vô thau nước, cách giê lúa, cách vét nồi giũ ống... Quả thật là rất đáng sợ!

Thêm một nhân vật khác là ông Cả, ba của Nàng Tô Ánh Nguyệt với quan niệm “thủ cựu bài tân”, “đàn bà con gái là không được lên nhà trên”. Nhân vật này cũng được ông thể hiện rất xuất sắc, cái khó tánh đến khó khăn, cái lạc hậu của một ông Cả với vợ con khiến ai xem cũng phải rùng mình lắc đầu. Tuy ông cũng là một người cha thương con, nhưng cái quan niệm cũ đã đâm chồi bén rễ trong đầu khiến ông không thể thành toàn cho những những đứa con mình được.

Những vai kép lão khắc khổ ở đồng quê của ông cũng khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Dù thành công với những vai ông Hội đồng khắc nghiệt, nhưng khi khắc họa những nhân vật nghèo khổ đối lập, ông cũng vô vùng thành công. Không để đếm hết những vai diễn lão bần nông của ông, vai nào cũng hay, vai nào cũng ấn tượng. Vai ba cô “Nhạn rau nhút” trong vở “Không bán tình em” đóng cùng NSƯT Vũ Linh NS Tài Linh cũng vậy, tuy mù lòa nhưng ông vẫn luôn vui vẻ với cuộc sống. Rồi biến cố ập đến, quyết không để con mình sống sai với luân thường đạo lý, hiểu lầm nên đốt nhà, đến mức phải đi lang thang ngoài đường. Vai diễn này mang vài nét hài hước nhưng cũng không thể làm khó chút nào với NSND Diệp Lang của chúng ta.

Cân cả chính diện lẫn phản diện

Cái hay ở ông là biết vận dụng cặp mắt rất hay, tinh tế, độc ra độc, mùi ra mùi. Chỉ cần nhìn ánh mắt của ông là khán giả "đọc" hết được tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật.  Vì vậy cả phản diện lẫn chính diện NSND Diệp Lang đều để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Dù đã ra đi, nhưng những vai diễn để đời của ông vẫn còn đó, vẫn nhắc nhớ đến một người nghệ sĩ tài hoa, một huyền thoại của sân khấu cải lương.

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow