Nói Về Cải lương

“Cải cách hát ca theo tiến bộ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”

Nói Về Cải lương

Cải lương là gì?

GS- Trần Văn Khê cho rằng “Cải lương chính là sửa đổi cho tốt hơn” về sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.

Trước những năm 20 của thế kỉ XX, để chỉ loại hình nghệ thuật rất mới này (cải lương), người ta thường đặt mỹ danh “gánh hát kim thời”, gánh hát tân thời”. Mãi đến năm 1920, gánh Tân Thinh đã lấy chữ đầu từ 2 câu đối trên (được treo trên bảng hiệu của gánh này) để đặt danh hiệu cho gánh hát của mình: “Đoàn cải lương Tân Thinh”. Từ đây, người ta cũng dùng từ “đoàn”, để thay thế cho từ “gánh hát” để chỉ những tên đoàn hát loại hình nghệ thuật mới phát triển này.
 
Từ ấy, CẢI LƯƠNG - cải là cải cách, lương là lương truyền trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, cách hát mới lạ này "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách...nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ...". Một sự làm mới thể loại âm nhạc dân tộc để qua đây lương truyền tuồng tích, các vấn đề muốn gửi gắm đến khán giả, nhân dân và nhiều thế hệ hôm nay, mai sau.

về cải lương

Đi ngược về quá khứ

Khi người ta nghe “hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm” thì các ban tài tử đờn ca xuất hiện. Thời điểm ban đầu, những tài tử chỉ tập trung lại ca cho vui, để tiêu khiển, phục vụ các dịp lễ tại gia đình, chứ chưa được mang đi biểu diễn rộng rãi cho công chúng trên sân khấu.
Lối năm 1915 – 1916, “Ca ra bộ” xuất hiện.  Ca ra bộ tức là ca theo lối kể chuyện, lấy lời ca để kể cho khán thính giả nghe, kể hết thân phận người này sang người khác. Nội dung của Ca ra bộ thường lấy tích trong các truyện thơ Việt Nam hoặc một số truyện phổ biến trong dân gian. Ca ra bộ ra đời lúc này là hình thức trình diễn của sân khấu đơn sơ, là gạch nối của quá trình chuyển dần từ hình thái âm nhạc đơn thuần sang sân khấu diễn xuất. Từ những lớp ngắn tiến lên vở dài có phân vai, thay phiên nhau nhiều người ca, người thì ca vai này, người ca vai khác, có thêm yếu tố diễn xuất.

Theo tác giả Vương Hồng Sến đã nói thì cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ, nhưng theo sự hiểu của ông thì:

*Năm 1915 trở về trước, tại miền Nam, tài tử còn ca kiểu "độc thoại".
*Năm 1916, đã có ca kiểu "đối thoại" (ca ra bộ)
*Đêm 16 tháng 11 năm 1918, tại Rạp Hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp – Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) đã đánh dấu thời kỳ phôi thai của cải lương.
*Năm 1922, tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn... lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự.

Thời vàng kim của Cải lương

Ở thời kỳ vàng kim, Cải lương lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu cải lương ngày nào cũng có xuất diễn, khán giả mua vé chật kín. Nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc, đến mức một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm thành công cho mình. Riêng tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có trên 39 rạp hát cải lương và đến hơn 20 nơi luyện cổ nhạc (gọi là "lò").

Về thời gian của thời kỳ vàng kim này được chia theo 2 luồng ý kiến:

Thứ nhất là giai đoạn 1930-1945, vì giai đoạn này tạo ra một đội ngũ “cây đa, cây đề” cho nghệ thuật Cải lương. Những sự sáng tạo, tài hoa và sự cống hiến của họ được vinh danh là những bậc thầy cho thế hệ sau noi theo. Những soạn giả thời điểm này là người có am hiểu sâu sắc về cả Nho học và Tây học như Tư Chơi, Năm Châu, Trần Hữu Trang,..., Những thế hệ bầu gánh hát là những trí thức có đầu óc canh tân, đổi mới và người có tiền thì rất đam mê văn nghệ. Từ đó, những ngôi sao sân khấu huyền thoại thành danh như Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam

về cải lương

Thứ 2 là thời điểm 1960-1975, Bởi giai đoạn này vừa giữ được đội ngũ sáng tạo bậc thầy nói trên, vừa xuất hiện thêm một lực lượng đông đảo các soạn giả trẻ tuổi, nhiệt huyết, dồi dào bút lực như: Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An,… Họ không chỉ tiếp bước tiền bối mà còn đưa nhiều cách sáng tạo và văn hóa các nước vào nghệ thuật cải lương. Hàng loạt kịch bản sáng tạo, thể loại phong phú qua bàn tay của các soạn giả ra đời, nhanh chóng đi sâu vào lòng khán giả mộ điệu. Những tên tuổi như: Hữu Phước, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Minh Vương, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Mỹ Châu,... thành danh và tỏa sáng rực rỡ trên con đường nghệ thuật.

Cải lương thời hiện đại

Không gì có thể thoát khỏi quy luật tất yếu của sự phát triển. Có lúc hưng thịnh cũng có lúc suy tàn. Trải qua 100 năm, thời hoàng kim của Cải lương đã qua. Khi chúng ta nhìn về cải lương như nhìn về quá khứ, có phải cải lương đã dần mất đi tính đổi mới trong cái tên của nó? Có một điểm thú vị rằng dù những sân khấu cải lương đã qua thời hoàng kim, thì sức sống của cải lương lại vô cùng mạnh mẽ trên… YouTube. Rất nhiều bài vọng cổ, vở cải lương có lượt xem đông đảo trên Youtube, ví dụ như “Tình anh bán chiếu" kinh điển do danh ca Út Trà Ôn thể hiện có tới hơn 1 triệu lượt xem trên nền tảng này. Vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng các tác phẩm trên mạng. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: “Cải lương xuất hiện ở đâu cũng được, miễn nó đàng hoàng". 

về cải lương

Đại bộ phận người trẻ vẫn yêu cải lương, vẫn tìm học cải lương, nên đã đến lúc chúng ta xoá bỏ định kiến, để mở lòng với những không gian mới dành cho cải lương, bên cạnh việc gìn giữ những giá trị đẹp sẵn có. Tiến sĩ văn hoá Mai Mỹ Duyên nhận định: "Bản chất cốt lõi của nghệ thuật cải lương là luôn luôn đổi mới, chủ động tiếp nhận các ảnh hưởng văn hóa bên ngoài mà cải tiến, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc”. Vì vậy, phá bỏ sự rập khuôn từ đào tạo đến sáng tạo là cách để cải lương hoà vào dòng chảy nghệ thuật hiện tại.

“Cải lương không bao giờ chết!”

Phản ứng của bạn là gì?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow