Chất cải lương kiếm hiệp kỳ tình trong Đêm lạnh chùa hoang
“Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu. Ta gối đầu trên đá, thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai…” những lời quen thuộc ca đậm chất trữ tình được khán giả thương nhớ từ hơn 50 năm nay.
Tác phẩm của ông vua kịch bản cải lương võ hiệp
Đêm lạnh chùa hoang là một tuồng cải lương ăn khách của Đoàn Kim Chung ở những năm 70 của thế kỷ trước. Cùng với Băng Tuyền nữ chúa, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tây Thi, tất cả đã tạo nên cơn sốt thời đó và có sức sống vượt thời gian đến tận ngày nay. Thậm chí Đêm lạnh chùa hoang trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều khán giả thuộc nằm lòng từng trích đoạn, hay chí ít một lớp, một bản vắn trong vở.
Cha đẻ của Đêm lạnh chùa hoang là soạn giả Yên Lang - ông vua kịch bản cải lương võ hiệp. Soạn giả Viễn Châu đã nói: “Yên Lang là bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản mang màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng”. Nét đặc sắc trong các vở cải lương của soạn giả Yên Lang chính là chất “kỳ tình”, có nghĩa là mặc dù là mang chất giang hồ, lãng tử, kiếm hiệp nhưng lại không hề “đau to búa lớn”, mà lồng ghép hài hòa sự lãng mạn, phong tình, thủy chung và luôn có một cái kết rất “nghĩa tình”, vô cùng thuyết phục, làm vừa lòng khán thính giả. Các vở của ông hầu hết đều rất ăn khách nhưng lại không hề rẻ tiền. Đặc biệt trong các tác phẩm này chính là ngôn từ trau chuốt và rất chắc lọc. Với phong cách, bút pháp vừa tự sự trữ tình, lãng mạn đầy chất thơ trong lời ca; vừa đầy trăn trở, sâu sắc trong lời thoại, những vở cải lương do ông viết kịch bản đã thực sự cuốn hút người hâm mộ một cách đầy ám ảnh, để lại ấn tượng khó phai mờ.
Về Đêm lạnh chùa hoang
Câu chuyện tình yêu ngang trái của Quận chúa Mông Cổ Hồ Bảo Xuyên và chàng lãng tử người Hán Tần Lĩnh Sơn được lồng ghép đặc sắc với tình yêu quê hương đất nước, mong muốn hòa bình cho nơi mình sinh ra và lớn lên của các nhân vật. Họ khao khát được sống trong hòa bình, được yêu thương, được bên nhau mà không phân biệt giai cấp, đất nước và không “bị oán thù ngăn lối tình yêu”.
Như tên gọi, cảnh đắc nhất trong vở là cảnh một đêm lạnh ở ngôi chùa hoang. Trước khi xem nhau như 2 kẻ tử thù, Tần Lĩnh Sơn và Hồ Bảo Xuyên cùng nói ra hết tâm tình, cảm xúc, và những nỗi khổ tâm với nhau. Và cái kết là một người ra đi mãi mãi, một người ở lại với thương đau. Đây là một trong những cái kết gây tiếc nuối, nhưng có lẽ là tốt nhất cho các nhân vật, do có quá nhiều yếu tố ngăn cản 2 người yêu nhau đến được với nhau. Nhấn mạnh tư tưởng không thể đặt tình yêu lên tất cả mọi thứ, đây chính là nét nhân văn trong câu chuyện tình yêu đầy ngang trái này. Mỗi nhân vật trong vở đều có chiều sâu, đều có những trăn trở riêng cho mình, đôi khi cũng pha vài nét hài hước nhờ sự chấm phá của các nhân vật phụ.
Chỉ một đêm lạnh ở chùa hoang đã nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người hâm mộ từ già đến trẻ với Lý con sáo: “Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu. Ta gối đầu trên đá, thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai, để yêu em được trọn lòng, không ngăn cách bởi biên thùy. Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi, em vẫn yêu vẫn yêu một mình anh. Dù chia lìa tình đôi phương cách xa, ngủ đi anh một giấc mơ thần tiên”.
Hay Văn Thiên Tường - Lớp dựng: “Thôi hãy cố mà quên tất cả, vui cùng em giây phút để chia tay. Nếu kiếp này mình không duyên không nợ thì xin hẹn lại kiếp lai…sinh. Tình nghĩa đậm đà mình đã mất mát hôm nay. Em không hề oán than cho hoàn cảnh trái ngang làm dang dở ly tan, chia cách nhau mỗi đứa một con đường. Bảo Xuyên ơi, nhìn em rưng rưng dòng lệ mà lòng anh như uất nghẹn, như đau buốt cả linh hồn…”
Và bài “nhạc hiệu” đặc biệt của riêng Đêm lạnh chùa hoang: “ Nâng chén nghe lòng đau, rượu mềm môi cay đắng, nước mắt nào dâng sầu, ôi tuổi buồn lệ trào. Rượu cạn chung giã từ, nâng chén lòng vương sầu, chén chia tay giã từ, mai đôi đường chia ly. Men giã từ nặng sầu, rượu mềm môi cay đắng, rót chén nồng giã từ, ôi oán thù ngăn đường”
Các cặp đôi Tần Lĩnh Sơn và Hồ Bảo Xuyên ăn khách
Phải kể đến NSƯT Minh Phụng và NSND Lệ Thủy, cặp đôi từng làm thổn thức bao trái tim của người mộ điệu cải lương nhiều thế hệ. Hoặc NSND Minh Vương và NSND Lệ Thủy cũng gây ấn tượng khó phai mờ trong tuồng cải lương này. Và rất nhiều cặp đôi nghệ sĩ trẻ thể hiện lại 2 vai diễn để đời này cũng không làm phụ lòng người hâm mộ. Có thể nói soạn giả bậc thầy Yên Lang đã dát vàng cho không ít tên tuổi nghệ sĩ qua các vai diễn trong những vở cải lương của ông. Và một đêm lạnh chùa hoang mỗi lần công diễn vẫn cháy vé, vẫn chiếm trọn tình cảm của khán giả, vẫn là vở tuồng kinh điển của nghệ thuật cải lương.
Phản ứng của bạn là gì?