Thoại Khanh - Châu Tuấn
“Ai nức nở với giọng đàn Tư Mã. Nhạc sầu vương theo chiếc lá lạnh lùng rơi. Đàn làm chi buồn lắm Thoại Khanh ơi! Tay ray rứt bồi hồi sa ngấn lệ.”

Thoại Khanh, Châu Tuấn là ai?
Đây là một truyện thơ Nôm khuyết danh, phổ biến rộng rãi từ thế kỷ 16 ở Nam Bộ. Chuyện kể về nàng Thoại Khanh, một người con gái đẹp người, đẹp nết, có tài văn chương nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nàng gặp và kết duyên với chàng thư sinh Châu Tuấn. Tưởng sẽ hạnh phúc ngờ đâu tại nạn bất ngờ ập đến từ khi Châu Tuấn thi đỗ trạng nguyên. Bị Công chúa ép hôn, chàng mực quyết phản đối và bị xử đày đi sứ đến 17 năm.
Trong khi Châu Tuấn phải chịu cảnh “Hôn nhân ép buộc” với một vị công chúa lữ quốc, bị cầm giam nơi cung vàng gác tía, thì nàng Thoại Khanh và mẹ chàng ở nhà bị bạn chàng lừa gạt và đuổi đi. Hai người đành phải dắt díu nhau vạn lý tìm con, tìm chồng nơi đất khách quê người.
Trên đường lưu lạc, khố rách áo ôm, nhưng con dâu vẫn chăm chút, “nhường cơm sẻ áo” cho mẹ chồng. Khi mẹ tuổi già, sức cùng lực kiệt vì quá đói khát, Thoại Khanh đã quyết định “lóc thịt” cho mẹ ăn nơi rừng thẳm “Đàn kêu lóc thịt cánh tay, vừa nuôi tử mẫu, chàng hay chăng chàng”. Đây là cảnh cảm động nhất câu chuyện, cũng là hành động thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa, dám hy sinh bản thân mình để che chở và nuôi dưỡng mẹ chồng của Thoại Khanh. Khổ hơn thế nữa, khi hai mẹ con đi qua ngôi miếu Ác Thần, nàng bị đòi đôi mắt “ngọc” để đổi lấy mạng sống của mẹ chồng, nàng đã không hề do dự mà đồng ý hiến dâng.
Trải qua bao nhiêu sóng gió, Thoại Khanh gặp lại được Châu Tuấn, nàng được Phật cho mắt sáng lại. Hai người sống hạnh phúc bên nhau.
Thoại Khanh Châu Tuấn và các vở diễn trên sân khấu
Câu chuyện cảm động này được phổ biến rộng rãi với nhiều thể loại nghệ thuật bao gồm: sân khấu tuồng, dân ca kịch bài chòi, phim ảnh và cả trên sân khấu cải lương. Ở mỗi thể loại, truyện về "Thoại Khanh-Châu Tuần" đều là vở diễn kinh điển, lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Vở "Thoại Khanh- Châu Tuấn" với cốt truyện đã hay lại được thể hiện dưới hình thức bài chòi lại đặc biệt càng thêm mùi mẫn. Đi đến đâu biểu diễn cũng được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng. Phải nói đây là kịch bản khuôn mẫu cả về tình tiết, nội dung, tính nhân văn, về con người, cái hay, cái đẹp để tiến tới chân - thiện - mỹ, tất cả đều hội tụ ở kịch bản Thoại Khanh - Châu Tuấn này. Đây là vở diễn được đánh giá là kinh điển của nghệ thuật bài chòi và sân khấu tuồng, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.
Nhắc đến Thoại Khanh, Châu Tuấn trong cải lương, phải nhắc tới sự nhập vai của nghệ sĩ Cẩm Thu, trong vở diễn cùng tên, đóng cặp với cố NSƯT Vũ Linh. Đây được xem là nàng Thoại Khanh mẫu mực nhất trong cải lương, trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ. Cùng với đó là bản vọng cổ Thoại Khanh-Châu Tuấn của cố soạn giả Viễn Châu, một bài vọng cổ nổi tiếng, được nhiều cô đào chọn ca, và cũng từ đó mà phổ biến rộng rãi trong giới cải lương.
"Cầm chiếc đàn lên nghiêng vai cõng mẹ. Tìm người thương khắp cả bốn…phương… trời… Mẹ ơi! Đôi mắt của con nay đã mù rồi. Chiếc tỳ bà chùng dây, long phím vẫn u hoài theo từng giọt mưa rơi. Đường sang Tề diệu vợi xa xôi, tiếng ve ngân hòa lẫn tiếng xạc xào của những chiếc lá vàng rơi, trong một chiều thu trên đường về biên ải.
Đàn kêu tích tịch tình tang
Thiếp nay cõng mẹ tìm chàng, chàng ôi!
Từ ngày phu phụ lìa đôi
Lệ em như thể… lá rơi bên đường…"
"Trai trung liệt - Gái tiết trinh" là câu nói tóm gọn về "Thoại Khanh - Châu Tuấn". Câu chuyện không chỉ ca ngợi tình yêu son sắt mà còn đề cao lòng hiếu thảo, đặc biệt là tấm lòng của nàng Thoại Khanh đối với mẹ chồng. Chi tiết "lóc thịt nuôi mẹ chồng" là một trong những cảnh cảm động nhất, thể hiện sự hy sinh cao cả của người con dâu hiếu thảo.
Trong xã hội hiện đại, khi mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu còn nhiều định kiến, câu chuyện của Thoại Khanh là một lời nhắc nhở về giá trị của lòng hiếu thảo và sự hy sinh. Dù chỉ là một câu chuyện được ước lệ hóa, nhưng những bài học từ "Thoại Khanh - Châu Tuấn" vẫn còn nguyên giá trị, là tấm gương sáng để chúng ta soi chiếu và học tập.
Phản ứng của bạn là gì?






